Page 54 - Su ky CMC 30 - Kien tao di san so - Chuong II
P. 54
8h sáng, con phố Hàn Thuyên tấp nập và náo nhiệt khác hẳn mọi ngày.
Tuy chương trình 9h mới bắt đầu nhưng trước cửa siêu thị máy tính
Blue Sky đã đông kín người, một số người phải đứng tràn sang cả
những dãy nhà đối diện. Không chỉ là lễ khai trương siêu thị máy
tính đầu tiên tại Việt Nam, ngày hôm đó người dân Hà Nội còn được
chứng kiến sự kiện lớn hiếm có với những màn múa lân hoành tráng
và lượng người đổ về đông đến như vậy. Những tín đồ công nghệ đến
để cập nhật các sản phẩm hiện đại, những sinh viên đến để được tự
mình trải nghiệm chiếc máy tính trong mơ, các gia đình dẫn con cái
đến để lựa chọn món quà đặc biệt,… Lễ khai trương Siêu thị Máy tính
Blue Sky của CMC vinh dự được đón tiếp 7 Thứ trưởng cùng Chủ tịch
Thành phố Hà Nội đến tham dự và chúc mừng. Đến tận mấy ngày sau,
người ta vẫn kháo nhau đang là ngày khai trương của Blue Sky do số
lượng người đến quá đông, kéo dài cả con phố.
NHÀ MÁY LẮP RÁP SẢN XUẤT MÁY TÍNH
LỚN NHẤT VIỆT NAM - HIỆN THỰC HÓA
GIẤC MƠ MÁY TÍNH THƯƠNG HIỆU
Canh cánh giấc mơ ghi tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới, những
chàng trai trẻ Viện Vi điện tử ngày ấy tiếp tục viết tiếp chương ước mơ
dang dở mang tên: Xây dựng thương hiệu máy tính Made in Việt Nam, máy tính
của CMC.
Những điều đầu tiên
Niềm ấp ủ về chiếc máy tính mang thương hiệu Made in Vietnam chưa
bao giờ thôi cháy bỏng trong trái tim những người kỹ sư công nghệ
CMC. Năm 1998 cũng là thời điểm cuốn “sách trắng” đầu tiên về “Khoa
học và Công nghệ” được xuất bản ngày 7/4/1998 bởi Bộ Khoa học và
Công nghệ Trung Quốc đưa ra các mục tiêu cho các nhà nghiên cứu là
thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực. Từ “công nghệ” xuất
hiện khắp mọi nơi, mọi văn bản. Để đẩy mạnh phát triển công nghệ,
Trung Quốc mở cửa cho các hãng máy tính thế giới du nhập và phát
triển thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, khi được tham gia
vào chương trình học tập và khảo sát tại Trung Quốc, anh Nguyễn
Trung Chính lại thấy rằng Trung Quốc chỉ có máy tính lắp ráp Legend
(sau này là Lenovo), còn lại tất cả công nghệ lõi vẫn do Mỹ làm
chủ và sản xuất.
“Vậy tại sao, ở thị trường Việt Nam, mình không tự tạo nên một công
ty có thể vừa kinh doanh và lắp ráp máy tính thương hiệu Việt mà
không cần phụ thuộc vào các nước khác” - anh Chính suy nghĩ. Ngay
sau khi trở về nước, anh cùng các cộng sự đã đưa ra một quyết định
lớn: hiện thực hóa ước mơ sản xuất “máy tính thương hiệu Việt”,
thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ máy tính Thế Trung (nay
là CMS) vào năm 1999. Cái tên Thế Trung được lấy từ tên đệm của
hai nhà sáng lập là anh Hà Thế Minh và anh Nguyễn Trung Chính. Sau
này, cái tên thân thương ấy cũng được đặt cho con trai thứ 2 của
anh Minh với tất cả tình yêu và sự nâng niu như tình cảm dành cho
CMC và CMS.
54 SỬ KÝ CMC 30