Page 316 - Trinh bay Dia chi Quang Yen final
P. 316
Phaàn III: Heä thoáng chính trò 315
2. Sự phát triển và đóng góp của lực lượng vũ trang thị xã Quảng Yên qua các
giai đoạn cách mạng
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1955)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa lâu, thực dân Pháp quay trở lại
xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, quân và dân thị xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng cùng nhân dân
cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ tháng 12/1948 - 5/1949, huyện Yên Hưng phát động hai đợt tổng phá tề trong
toàn huyện, nhằm phá vỡ chính quyền tay sai của địch, củng cố và phát triển cơ sở
kháng chiến. Được sự hỗ trợ của bộ đội địa phương và dân quân du kích, các xã trong
huyện đã nổi dậy phá thế kìm kẹp, đánh vào các cơ sở của ngụy quyền, đồn bốt, tháp
canh gác của địch và trừng trị được nhiều tên tề ngụy, tay sai gian ác. Điển hình trong
đợt tổng phá tề lần 2 (từ ngày 12 - 19/5/1949), huyện Yên Hưng giải tán được hội tề ở
51/67 thôn, tạo thêm niềm tin, phấn khởi trong quần chúng.
Năm 1949, trên địa bàn huyện Yên Hưng hình thành cục diện mới, lực lượng vũ
trang và nhân dân từng bước làm thất bại mục tiêu bình định của thực dân Pháp; vùng
căn cứ ở Yên Tử và Thượng Yên Công được củng cố vững chắc. Ngày 28/4/1949, Tiểu
đoàn 215 thuộc Trung đoàn 98 và Đại đội Bạch Đằng tấn công các vị trí kinh tế, quân sự
của địch ở thị xã Quảng Yên, tiêu diệt và làm bị thương 100 tên, phá hủy 3.000 lít xăng,
7 xe quân sự, 1 xe Jeep, giải phóng 40 cán bộ và đồng bào bị giam. Ngày 22/12/1949,
với chiến thuật đánh chặn đầu, khóa đuôi, một trung đội của Đại đội 915 phối hợp cùng
Trung đoàn 98 phục kích địch trên đường 18, chặn đánh đoàn xe 7 chiếc của địch từ Yên
Hưng đi Hòn Gai. Kết quả, ta bắn hỏng 2 xe và rút quân an toàn.
Trong 2 ngày 20 - 21/5/1950, thực dân Pháp đã tiến hành càn quét vào căn cứ Hoàng
Lỗ khiến 20 cán bộ, chiến sĩ, người dân bị giết hại, trong đó có đồng chí Sinh Tuyển
(Thôn đội trưởng Tân Ngư) hy sinh cùng tổ du kích Hoàng Lỗ ở Dộc Bùi, đồng chí Đàm
Quang Minh (Thôn đội phó Hoàng Lỗ) bị bao vây và hy sinh tại rừng thông Rộc Chùa,
hai đồng chí Nguyễn Văn Coỏng, Lê Văn Tập thuộc căn cứ Cái Sổ bị địch phục kích bất
ngờ và đã anh dũng hy sinh ở miếu Nghè ...
(1)
Ngày 23/3/1951, quân và dân Yên Hưng phối hợp với bộ đội chủ lực mở Chiến dịch
Đường số 18 (Chiến dịch Hoàng Hoa Thám), tổ chức nhiều trận phục kích đánh địch
trên đường số 18 đi Hải Phòng và tiến đánh địch ở Mạo Khê, phá hỏng nhiều cầu cống
quan trọng trên quốc lộ, tiêu diệt và bức rút các vị trí của địch từ Trạp Khê đến Bí Chợ,
diệt đồn Vàng Danh, Lán Tháp... và chặn đánh quân tiếp viện của địch. Từ ngày 01 -
07/4/1951, quân và dân Yên Hưng mở đợt tấn công thứ hai với hướng chính là Yên Hưng
và Đông Triều, tiêu diệt một bộ phận địch trên đường số 18, giải phóng hoàn toàn xã
Thượng Yên Công, buộc địch phải ngừng khai thác than ở mỏ Vàng Danh.
(1) Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hoàng Tân: Lịch sử Đảng bộ xã Hoàng Tân (1930 - 2020), Nxb. Thông
tấn, 2020, tr.81. Trận càn của địch trong 2 ngày 20 - 21/5/1950 về sau được coi là ngày “giỗ trận” vì
những thiệt hại, mất mát mà giặc gây ra cho cán bộ, đảng viên, nhân dân Hoàng Tân.