Page 163 - Me Toi
P. 163
Làng Thành Lập đây sao? Tại sao nó cô đơn như một gò đất hoang để chứa những
người nghèo nàn khốn khó sinh sống. Làng không phải là làng mà là một nhóm lều lá
vách đất lụp xụp chỉ đủ che nắng mưa, và nhà thờ dường như đã không có cha sở
chăm sóc giáo dân đã sụp một góc.
Tôi nhìn thấy vài con bò gầy trơ xương cột bên cụm tre, vài con chó gầy gò chạy quanh
sủa người lạ, và vài con heo con sổng chuồng ốm tong teo đang dùng mõm ủi đất bên
bờ ao rau muống.
Tôi chợt nhìn vào hồn tôi, rồi nhìn lũ trẻ để đớn đau hiểu được rằng tôi đã may mắn ra
đi, nhưng tôi cũng dở khóc dở cười khi quay về để nhìn thấy thảm trạng đau thương đã
kéo dài già nửa thế kỷ trên quê hương tôi.
Tôi cúi chào bà cụ già đang đứng nhìn tôi và hỏi.
- Dạ xin chào bà, bà làm ơn chỉ cho cháu nhà bà Chúc ở đâu.
Mắt bà cụ tự dưng sáng lên, bà hỏi lại tôi với giọng Bắc mà tôi đã không còn quen tai.
- Bác ở đâu thế? Bà Chúc không còn ở trong làng nữa.
Tôi chộp vội lấy tay bà.
- Vậy bà Chúc bây giờ ở đâu?
Bà quay nhìn ra cánh đồng, và đưa tay chỉ.
- Bà Chúc đang ở trong cái lều tranh ngoài bờ ruộng. Bà sống ở đó một mình.
- Bà dẫn cháu tới đó được không.
Bà cụ lắc đầu.
- Anh ra đó không được đâu, bùn lầy lấm giày, thôi để tôi gọi con trai của bà cho anh.
- Dạ, cám ơn bà.
Tôi đứng đợi một lúc lâu thì có một người đàn ông nhỏ tuổi hơn tôi rẽ đám đông chạy
tới. Tôi đoán trong lòng có lẽ đây là con trai dì Chúc, và tôi bước tới phía anh ta. Anh ta
ôm lấy tôi dù rằng tôi chưa biết anh ta là ai, nhưng anh ta đã buông tôi ra vừa khóc
vừa nói.
- Trời ơi…! Anh Chinh phải không? Sao anh tìm được làng mà về?
Tôi gật đầu.
- Phải, tôi là Chinh. Tôi tìm tháp chuông nhà thờ để về làng.
Sao anh biết tôi? Tôi hỏi anh ta.
- Em là Bình, con trai dì Chúc của anh. Bác có gởi hình anh về, và viết thư cho mẹ
em nói rằng có ngày anh sẽ về làng. Mẹ em nhắc anh luôn.
Tôi nhìn quanh hỏi thằng em chưa bao giờ biết mặt.