Page 53 - ChanDungVanHoc_Sach
P. 53
Quan điểm sáng tác của Thạch Lam được coi là gần với "nghệ thuật vị nhân sinh" hơn cả. Ông là
nhà văn duy nhất của Tự lực văn đoàn được chương trình sách giáo khoa văn Việt Nam giới thiệu và
bắt buộc phải học.
Tư liệu:
Văn Thạch Lam: Trong trẻo như nắng sớm, thanh khiết như sương mai
Nhận xét về văn chương của Thạch Lam, nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nói rằng: “Ngay trong tác
phẩm đầu tay ("Gió đầu mùa"), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng… Ông có một
ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là
người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy”.
...
Văn chương của ông nhẹ nhàng và trong trẻo nhưng vẫn bám sát vào hiện thực cuộc sống. Thông
qua những điều hết sức giản dị, Thạch Lam không chỉ muốn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn và phẩm
chất của con người mà còn bày tỏ một cái nhìn đầy lạc quan vào cuộc sống. Dưới cái nhìn tinh tế
của nhà văn, người đọc phát hiện ra lẩn khuất giữa những tăm tối và khắc nghiệt không thể trốn
chạy của hiện thực vẫn còn những vẻ đẹp đầy lấp lánh.
Đó là vẻ đẹp của bình dị thôn quê với đường gạch, hàng cây, với tiếng gió xào xạc hay ngay cả
trong ánh đèn của đoàn tàu vụt qua nơi phố huyện nghèo và hơn hết là vẻ đẹp đầy sáng ngời của tâm
hồn con người. Đó là: Tiếng trống thu không trên cái chợ huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi
buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy
tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như
ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” ("Hai đứa trẻ"). Là
những lời lẽ nhẹ nhàng, thủ thỉ nhưng lại gợi ra biết bao xúc cảm đầy mạnh mẽ, thiên nhiên dưới
con mắt của Thạch Lam bao giờ cũng là mặt hồ phản chiếu tâm trạng của con người: “Buổi sáng
hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua trời hãy còn
nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá
rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ngoài cánh đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi. Thế mà qua một đêm
mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông
rét mướt” ("Gió lạnh đầu mùa").
Văn Thạch Lam nhẹ nhàng, thủ thỉ nhưng có sức ám ảnh lớn. Là lối truyện tâm tình, không có cốt
truyện, toàn truyện không hề có hành động phát triển xung đột mà chỉ toát lên một tâm trạng, một
không khí nhưng lại rất thực, rất đời. Truyện ngắn Thạch Lam như một tấm gương sáng mà ai soi
vào đó cũng thấy có mình, thấy ưu điểm, nhược điểm để hiểu mình hơn, hiểu người hơn, để cảm
thông hơn và sống đẹp hơn: “… Tôi rùng mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc
phạt! Anh ta sẽ phải vay trả cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh mới trả xong,
sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ đánh đập vì thù hằn? Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu càng
khinh bỉ tôi bấy nhiêu.” ("Một cơn giận").
Nguyễn Tuân đã nhận xét về ngôn ngữ văn chương Thạch Lam rất sâu sắc “Thạch Lam đã làm cho
tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng
ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các
ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất”.
Thạch Lam đã mang tới những đóng góp không nhỏ trong quá trình hiện đại hóa văn học trên
phương diện ngôn ngữ và mang dấu ấn rất riêng của cây bút lãng mạn, giàu xúc cảm và tài hoa.
-Trang 47-