Page 82 - Cuốn 70 năm (c)
P. 82
nay tiếp tục được duy trì, phát triển. Ban Bình dân học vụ
các cấp huyện, xã được thành lập, đẩy mạnh tuyên truyền,
vận động mọi người tham gia bằng nhiều biện pháp như: gọi
loa phát thanh, kẻ khẩu hiệu, viết chữ cái ở trên tường... Chỉ
sau vài tháng, nhiều nam, nữ thanh niên trong huyện đã có
thể biết đọc, biết viết. Đời sống văn hóa mới nhanh chóng đi
vào cuộc sống. Tệ chè chén đình đám, tục lệ đóng góp trong
phe giáp được xóa bỏ. Việc ăn uống trong ma chay, cưới hỏi,
các tục lệ mê tín giảm. Nạn cờ bạc bị nghiêm cấm. Nhân dân
tự tổ chức những buổi tổng vệ sinh sạch làng, đẹp xóm, thau
giếng nước, không cúng lễ khi bị ốm đau…
Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh. Một số chi bộ
ghép trên xã trước đây đã đủ điều kiện tách ra thành chi bộ
riêng, cùng với việc hợp nhất một số xã nên đến tháng
4/1946, Huyện ủy đã thành lập thêm các chi bộ Hùng Vương,
Phù Lưu, Nguyễn Huệ, Quang Trung và chi bộ ghép thuộc
các xã tổng Đạo Tú cũ. Thời gian này, Ban Kinh tế huyện
cũng được thành lập làm nhiệm vụ tổ chức sản xuất, kinh
doanh để giải quyết một phần kinh phí của huyện.
Công tác xây dựng lực lượng chiến đấu được tiến hành
khẩn trương. Trung đội tự vệ tập trung của huyện được củng
cố, trong đó có một tiểu đội làm nhiệm vụ cảnh vệ, bảo vệ
khu vực cơ quan huyện. Các thôn đều có tự vệ chiến đấu, từ
một tiểu đội đến một trung đội. Một số xã mua được súng,
lựu đạn trang bị cho tự vệ. Tuy vậy, vũ khí thô sơ vẫn là chủ
yếu. Bộ máy chính quyền cũ, những thành phần có âm mưu
và hành động phản kháng đều bị theo dõi, trấn áp.
Về xây dựng căn cứ, khu Tảo Khê Trầm - Bối được Huyện
ủy chọn làm địa bàn để xây dựng khu căn cứ kháng chiến
của huyện. Địa bàn toàn huyện được chia làm bốn khu: Hồng
Quang, Hoàng Văn Thụ, Đề Thám và Bạch Xà - Sơn Viên.
82