Page 834 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 834
834 Ñòa chí Quaûng Yeân
Sau ngày miền Bắc giải phóng, Đông Mai được sử dụng làm tên chính thức và duy trì
đến nay. Tháng 02/1955, khu Hồng Quảng được thành lập, xã Đông Mai thuộc huyện
Yên Hưng, khu Hồng Quảng. Ngày 30/10/1963, khu Hồng Quảng hợp nhất với tỉnh Hải
Ninh thành tỉnh Quảng Ninh. Xã Đông Mai thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 06/3/1964, Hội đồng Chính phủ sáp nhập thôn Đồng Mương, xã Đông Mai vào thị
xã Uông Bí. Ngày 26/9/1966, theo Quyết định số 184-CP của Chính phủ về việc “Đặt xã
Thượng Yên Công, xã Phương Đông, thôn Chạp Khê (huyện Yên Hưng) trực thuộc thị
xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh”. Từ đây, thôn Chạp Khê, xã Đông Mai sáp nhập vào thị
xã Uông Bí.
Trong những năm 1976 - 1978, công trình quai đê chặn dòng Sông Khoai của nhân
dân trong huyện và nhân dân xã Đông Mai đã tạo ra vùng kinh tế mới Sông Khoai rộng
lớn. Ngày 06/3/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 37-HĐBT, tách xã
Đông Mai thành 2 xã: Đông Mai và Sông Khoai, trong đó xã Đông Mai gồm nửa phía
Bắc núi Na từ Đống Dù, Trại Cọ, Mai Hòa vòng qua đường số 10, Trại Tháp (chân núi
Vũ Tướng) đến Nghi Thành, Trại Thành.
Năm 1994, sau khi thực hiện quyết định của cấp trên về việc chia tách các thôn, xã
Đông Mai gồm 6 thôn: Trại Tháp, Trại Cọ, Mai Hòa, Trại Thành, Biểu Nghi, Tân Mai.
Ngày 25/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP về việc thành lập
thị xã Quảng Yên và thành lập các phường thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Theo nội dung nghị quyết, thị xã Quảng Yên được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích
và dân số huyện Yên Hưng; đồng thời chuyển thị trấn Quảng Yên và 10 xã: Cộng Hòa,
Đông Mai, Hà An, Minh Thành, Nam Hòa, Phong Cốc, Phong Hải, Tân An, Yên Giang,
Yên Hải thành các phường có tên tương ứng. Theo đó, phường Đông Mai được thành lập
trên cơ sở toàn bộ 1.683,47 ha diện tích tự nhiên và 6.582 nhân khẩu của xã Đông Mai.
Hiện nay, phường Đông Mai có 11 khu dân cư: Hòa Tháp, Trại Cọ, Mai Hòa,
Minh Hòa, Hải Hòa, Hợp Thành, Thuận Thành, Trại Thành, Tân Mai, Biểu Nghi,
Biểu Nghi 2.
3. Dân số và đặc điểm dân cư
Vào cuối thời Trần, trên địa bàn Đông Mai đã có cư dân sinh sống đông đúc, họ tập
trung tại đầu nguồn các dòng Sông Khoai, Sông Dũi, Sông Uông, lập nên làng Vạn Trà.
Vốn là vùng đất hoang sơ rộng lớn, núi sông hiểm trở, cư dân đoàn kết cùng nhau chinh
phục tự nhiên, mở mang đất đai, xây dựng quê hương trù phú. Chính quá trình lao động
không ngừng nghỉ đã tạo nên ý chí tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo, nhạy bén trong lao
động của người dân Đông Mai.
Theo gia phả của các dòng họ ở Đông Mai, vào cuối thế kỷ XVI (1592), Nhà Trịnh
đánh bại Triều Mạc, chiếm kinh thành Thăng Long, xưng vương ở Đàng Ngoài. Con
cháu dòng họ Mạc ở Chí Linh, Hải Dương là các ông Mạc Phú Vinh, Mạc Phúc Thiện
đổi thành họ Đoàn, cùng một số dòng họ khác ở làng Yên Trì là họ Lại, Đinh, Hoàng,
Trần... và ngư dân vùng đồng bằng Sông Hồng di cư đến vùng đất này khai hoang, xây
dựng quê hương mới.