Page 38 - Trinh bay Dia chi Quang Yen final
P. 38

Phaàn I: Ñòa lyù töï nhieân, ñòa lyù haønh chính vaø daân cö    37



                  Quá trình xâm thực bào mòn trên địa hình đồi núi lục nguyên

                  Đây là một quá trình xảy ra lâu dài trong suốt thời gian Pleistocene, phụ thuộc vào
               quá trình nâng kiến tạo. Cứ mỗi đợt nâng lại kèm theo một pha xâm thực mạnh và
               rồi chuyển sang quá trình bóc mòn địa hình đồi núi khi quá trình nâng yếu đi. Trong
               Pleistocene giữa - muộn, có một đợt nâng phân dị mạnh mẽ đã cung cấp vật liệu bồi tích
               hạt thô để tích tụ trầm tích hệ tầng Hà Nội. Trên các đới nâng, ngoài địa hình đồi núi
               xâm thực bóc mòn cao 150 - 200 m tuổi Neogen muộn và 100 - 150 m tuổi Pleistocene
               sớm, còn có các đồi thấp cao 40 - 60 m và 20 - 30 m hình thành do hoạt động bóc mòn
               liên quan với các nhịp nâng trong Pleistocene giữa - muộn.

                  Quá trình xâm thực ăn mòn hóa học trên địa hình đá vôi

                  Về mặt địa mạo học, địa hình đá vôi khu vực thị xã Quảng Yên thuộc kiểu núi thấp
               karst dạng sót trong lục địa trên đảo Hoàng Tân, là khu vực duy nhất của Quảng Yên có
               những khối đá vôi. Đặc điểm của các khối đá vôi nằm tách rời nhau, nhô lên từ bề mặt
               đồng bằng Đệ tứ. Ở vùng nhiệt đới ẩm, một chu trình phát triển karst trải qua các giai
               đoạn như sau: đồng bằng karst được nâng cao; giai đoạn phát triển karst dạng phễu;
               giai đoạn phát triển karst hình chóp; giai đoạn phát triển karst hình tháp; giai đoạn
               phát triển đồng bằng karst.

                  Ở Quảng Yên, dạng karst hình tháp hiếm gặp, chủ yếu là thường gặp các dạng karst
               hình chóp, ít khi đơn lẻ mà liên kết dính thành các dãy. Điều này được giải thích là do đá
               vôi khu vực này thuộc hệ tầng Tràng Kênh tuổi Devon, kém thuần khiết hơn ở một số nơi
               khác như Hạ Long..., nơi phổ biến đá vôi “sạch” thuộc hệ tầng Bắc Sơn tuổi Carbon - Pecmi.
                  Quá trình tích tụ hình thành đồng bằng bồi tích sông - lũ và đồng bằng châu thổ

                  Quá trình này xảy ra mạnh mẽ trong thời gian Pleistocene giữa và muộn trong điều
               kiện lục địa. Quá trình xâm thực bóc mòn các khối nâng - đồi núi trong điều kiện mưa lũ
               nhiều đã đưa vật liệu thô lắng đọng tại các thung lũng sông hình thành nên đồng bằng
               bồi tích sông lũ với các trầm tích hạt thô cát, cuội và sạn thuộc hệ tầng Hà Nội.

                  Vào nửa cuối Pleistocene muộn có một đợt biển tiến vào ven bờ Bắc Bộ, trong đó có
               khu vực Quảng Yên. Đợt biển tiến này đã tạo nên các trầm tích thuộc hệ tầng Vĩnh
               Phúc. Trầm tích phần dưới của hệ tầng có nguồn gốc biển và phần trên là trầm tích
               phức hệ châu thổ hình thành khi biển rút, có nguồn gốc sông biển và aluvi. Vào cuối
               Pleistocene, do ảnh hưởng của băng hà lần cuối cùng, biển lại lùi ra xa và mực nước
               biển thấp hơn hiện nay 100 - 120 m, đường bờ biển nằm phía ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Bề
               mặt đồng bằng vừa được thành tạo bị các quá trình lục địa bóc mòn và phong hóa mạnh,
               trầm tích có phần loang lổ nâu, đỏ, vàng. Quá trình sông hoạt động mạnh mẽ đã khoét
               sâu, xâm thực ngang bề mặt. Đồng bằng châu thổ cuối Pleistocene muộn chắc chắn mở
               rộng hơn đồng bằng châu thổ Holocene sau này.

                  Thời gian Holocene
                  Thời gian Holocene bắt đầu từ 11,7 nghìn năm trước và kéo dài đến tận ngày nay.
               Dựa vào các giai đoạn biến đổi khí hậu trên trái đất, thời gian Holocene được chia thành
               3 giai đoạn sau: Holocene sớm (khoảng 11,7 - 7 nghìn năm trước), Holocene giữa (7 - 3
               nghìn năm trước), Holocene muộn (3 nghìn năm qua).
   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43