Page 39 - Trinh bay Dia chi Quang Yen final
P. 39

38    Ñòa chí Quaûng Yeân



                  Giai đoạn 11 - 7 nghìn năm trước

                  Vào khoảng 8 - 7 nghìn năm trước, biển tiến Holocene đã tràn vào không gian châu
               thổ Sông Hồng hiện nay. Đồng thời nhiều nghiên cứu cho thấy, trong thời gian này quá
               trình bồi tụ các châu thổ lớn trên thế giới bắt đầu được hình thành. Cũng trong khoảng
               thời gian đó, biển đã ngập ở vùng vịnh nằm giữa Cát Bà và Đồ Sơn, nhưng vùng phía
               trong của cửa sông Bạch Đằng, trong đó có khu vực Quảng Yên vẫn nằm trong môi
               trường lục địa ven bờ.

                  Giai đoạn 7 - 3 nghìn năm trước
                  Vào nửa đầu giai đoạn khoảng 7 - 5, 6 nghìn năm trước, đường bờ biển liên tục di
               chuyển về phía lục địa. Giai đoạn này, vịnh biển được hình thành mở rộng nhưng nông.
               Tướng dưới triều chủ yếu phân bố ở bồn sụt hạ tương đối mạnh trong Holocene. Ở các
               đới còn lại, chủ yếu là tướng vùng triều, gồm triều thấp và bãi triều lầy ngập triều cao.
               Bãi triều lầy sú vẹt thường xuyên tạo thành dải rộng ở phía Tây, Tây Bắc Cát Bà, vùng
               Yên Lập và Bắc Thủy Nguyên.
                  Đến trung kỳ Holocene giữa khoảng 6 - 5 nghìn năm trước, biển tiến mở rộng cực
               đại, mực nước biển, đường bờ tĩnh lại tương đối một khoảng thời gian, tạo nên hệ ngấn -
               thềm cao khoảng 5 - 6 m. Ở rìa Đông Nam vịnh phát triển các tiểu san hô ven bờ. Tác
               động của sóng đã tạo nên các bãi biển ở các cung bờ lõm và các roi cát nối đảo ở Đồ Sơn,
               Hoàng Tân, Quảng Yên.

                  Nửa sau khoảng thời gian này, khoảng 5 - 4 nghìn năm trước, có sự hạ thấp tương
               đối của mực nước biển. Các khu vực phía Bắc Thủy Nguyên, Quảng Yên và Tây Bắc Cát
               Bà bồi tụ phát triển các đầm lầy sú vẹt rậm rạp. Đồng thời, một hệ thống cát cổ (hệ 1)
               được hình thành kéo thành dải chạy từ Quảng Yên qua Núi Đèo (Thủy Nguyên) đến
               Khởi Nghĩa (Tiên Lãng).

                  Vào giai đoạn cuối Holocene, khoảng 4 - 3 nghìn năm trước, sự nâng cao bề mặt địa
               hình dẫn đến hiện tượng phong hóa laterit phổ biến các tích tụ trong giai đoạn trước.
               Đồng bằng lục địa ven biển được hình thành trong khu vực Quảng Yên. Cũng trong thời
               gian này, vùng cửa sông Bạch Đằng là một vùng đầm lầy biển. Trầm tích tướng đầm lầy
               môi trường nước nhạt lợ khá phổ biến ở các lỗ khoan Hòn Xoài, rìa Cát Viềng, Cát Hải.
               Chúng chứa nhiều mùn bã thực vật nhưng lại hiếm dạng các sinh vật biển. Điều này
               chứng tỏ môi trường rất ít chịu ảnh hưởng của biển.

                  Giai đoạn 3 nghìn năm qua
                  Thời kỳ đầu Holocene muộn, khoảng 3 - 2 nghìn năm trước, là giai đoạn biển lấn trở
               lại, đường bờ di chuyển về phía lục địa và vịnh biển cổ tái xuất hiện với phạm vi và diện
               mạo khác trước. Đường bờ cơ bản của đợt biển lấn cũng chỉ áp sát dải đồi núi và hệ đê
               cát cổ (hệ 1) thuộc Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên), Núi Đèo (Thủy Nguyên).
                  Ở vùng Yên Lập (Quảng Yên) và Tây Bắc Cát Bà trên đới kiến trúc nâng, bề mặt địa
               hình tích tụ vẫn ngập triều cao, phát triển đầm lầy sú vẹt trong vụng biển. Cũng trong
               giai đoạn này, các trầm tích tụ cát do sóng đã liên kết các đảo nhỏ Đồ Sơn thành một
               dải duy nhất (trừ Hòn Dáu) nối liền Núi Đồi với Thụy Hương ở Kiến Thụy. Nguồn bồi
               tích cát từ Sông Hồng đưa lên đã tạo nên hệ cồn cát cao 3 - 3,5 m phát triển liên tục từ
               Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên) đến Minh Đức (Tiên Lãng).
   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44