Page 31 - Ky yeu 75 nam Thong ke Phu Tho
P. 31
Ngành Thống kê tỉnh Phú Thọ 75 năm xây dựng và phát triển
Trong giai đoạn 1976 - 1996, cũng như tình hình chung của cả nước, ngành Thống kê Vĩnh Phú chuyển về địa phương quản lý
từ 1989 - 1991. Tuy nhiên về chuyên môn, nghiệp vụ Cục vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của Tổng cục Thống kê về
chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và phương pháp thống kê, nhằm đồng thời đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ công tác
tổng hợp chung của Trung ương, vừa đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các
ngành ở địa phương.
Từ năm 1986, Đảng và Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới chuyển phương thức quản lý kinh tế từ cơ chế quản lý kế hoạch hoá
tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Do đó, hệ
thống các chỉ tiêu, các chế độ báo cáo và phương pháp thu thập số liệu thống kê cũng từng bước được cải tiến, thay đổi để phù hợp và
phục vụ tốt cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới về cơ chế
quản lý kinh tế. Trước năm 1990, cơ cấu thành phần trong các ngành kinh tế (trừ ngành nông nghiệp) chủ yếu vẫn chỉ có 2 thành phần là
kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể còn lại các thành phần khác mới đang được khuyến khích phát triển, qui mô còn nhỏ bé không
đáng kể. Do vậy đối với số liệu thống kê các ngành sản xuất vật chất (ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương nghiệp
cung ứng vật tư), theo quy định của Tổng cục Thống kê, các Báo cáo nhanh hàng tháng, quí, 6 tháng và cả năm nhìn chung mới chỉ thu
thập, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện của 2 thành phần kinh tế này bằng các chế độ báo cáo thống kê định kỳ; nguồn thông tin
của khu vực kinh tế cá thể, kinh tế hộ được thu thập bằng chế độ điều tra chuyên môn. Đối với số liệu thống kê các ngành phi sản xuất
vật chất và các lĩnh vực văn hoá - xã hội khác (y tế, giáo dục đào tạo, tài chính, nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước, văn hoá thông
tin, thể thao...) thu thập thông qua các báo cáo của các ngành liên quan.
Giai đoạn 1990 - 1996, là thời gian ngành Thống kê Vĩnh Phú triển khai thực hiện nhiều chế độ báo cáo mới do Tổng cục Thống
kê ban hành. Các chế độ báo cáo này đã được thay đổi về phạm vi tính toán, phương pháp thu thập thông tin nhằm phù hợp với yêu
cầu quản lý nền kinh tế - xã hội theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu hướng mở cửa,
hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Các chỉ tiêu, các loại báo cáo mang tính đặc thù của cơ chế kế hoạch hoá tập trung
bao cấp mang tính số lượng, hiện vật đến lúc này không còn phù hợp và được loại bỏ; đồng thời được bổ sung, thay thế bằng các chỉ
tiêu phản ánh giá trị, hiệu quả, chất lượng của nền kinh tế, các chỉ tiêu về văn hoá - xã hội, đời sống dân cư,... Từ năm 1993 trở đi, cả
nước đã thống nhất áp dụng phương pháp thống kê mới đó là phương pháp Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) thay thế cho phương
pháp Hệ thống Bảng cân đối kinh tế quốc dân (MPS). Trong đó, các chỉ tiêu tổng hợp của nền kinh tế theo MPS là "Tổng sản phẩm
xã hội" và "Thu nhập quốc dân" nay được thay thế bằng các chỉ tiêu "Tổng giá trị sản xuất" (GO) và "Tổng sản phẩm trong nước"
(GDP). Để phù hợp với phương pháp luận SNA, ngày 27/10/1993 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/CP về ban hành "Hệ thống
phân ngành kinh tế quốc dân" mới bao gồm 20 ngành thay thế Bảng phân ngành quốc dân ban hành theo Nghị định số 177/HĐBT
ngày 18/10/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (gồm 16 ngành). Theo đó các chỉ tiêu tổng hợp GO, GDP có phạm vi tính toán rộng hơn (so
với các chỉ tiêu Tổng sản phẩm xã hội và Thu nhập quốc dân); được thu thập tính toán từ tất cả các hoạt động kinh tế thuộc các ngành
31