Page 17 - ChanDungVanHoc_Sach
P. 17
Sáng tác từ trước 1945, có sở trường về truyện ngắn, tuy viết không nhanh và nhiều, nhưng truyện
ngắn của Kim Lân đã đưa đến một ấn tượng: ông là nhà văn kĩ lưỡng, tinh tế trong việc chọn lựa chi
tiết, kì khu và tài hoa trong việc chọn lựa ngôn từ, hình ảnh. Vì thế, Nguyễn Khải từng coi ông là
bậc thầy để noi theo.
Văn của ông tự nhiên mà tinh tế. Nhân vật nông dân và những cảnh quê trong truyện của ông
thường toát lên vẻ đẹp của một tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau rất đáng quý.
Hoạt động văn học của ông còn được ghi nhận ở những bài giảng ở Trường viết văn nguyễn Du,
những lần tham gia Hội đồng giám khảo các cuộc thi sáng tác, những cuộc tọa đàm văn học, những
năm biên tập sách báo… ở đấy ông tỏ rõ là một nhà văn trọng nghề và quý nghiệp.
(Nguyên An)
Tác phẩm nổi tiếng: Làng, Vợ nhặt; Nên vợ nên chồng (1955); Con chó xấu xí (1962)…
Ông từ trần năm 2007 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, sau một thời gian dài chống chọi với căn
bệnh hen suyễn, hưởng thọ 87 tuổi.
* Tư liệu, bình luận.
+ Kim Lân được mệnh danh là nhà văn của nông thôn với nhiều truyện ngắn mang không khí và hơi
thở của nông thôn Việt Nam, tiêu biểu là truyện ngắn Vợ nhặt, Làng đã được đưa vào trong sách
giáo khoa môn Văn.
Gia tài văn chương của ông để lại không nhiều nhưng đều là những tác phẩm có giá trị như tập
truyện Con chó xấu xí , Nên vợ nên chồng. Văn của ông giản dị, gần gũi; nhân vật của ông thường là
những người nông dân lam lũ, thật thà.
Ông cũng là một trong những nhà văn hiếm hoi xuất hiện trên màn ảnh với vai Lão Hạc trong bộ
phim Làng Vũ Đại ngày ấy chuyển thể từ truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. (N. Hằng)
+ “Người nông dân trong “Làng” vẫn là sự tiếp tục một kiểu người cũ của Kim Lân trong những
trang “Vợ nhặt” còn bỏ dở. Một lớp dân nghèo do thân phận ngụ cư nên phải chịu nhiều sức ép của
thói quen và thành kiến. Nhưng chuyển vào đời sống cách mạng, họ đã thành người nông dân kháng
chiến tản cư, dẫu chỉ là sự chuyển đổi môi trường sống, ngòi bút Kim Lân cũng rất tinh tế mà gạn
chắt và khẳng định những nét mới trong phần bên trong và gương mặt của họ. Đưa tình yêu làng lên
tình yêu nước, gắn tình yêu làng với tình yêu cách mạng, nét sống đó mang vẻ đẹp tinh thần mới ở
người nông dân đã đưa ông Hai, nhân vật chính của “Làng”, lên vị trí một điển hình người nông dân
trong buổi giao thời mới và cũ”. (Văn học VN kháng chiến chống Pháp – NXB Khoa học xã hội,
1986)
+ Nhà văn kể: “Cái không khí của ngày đầu kháng chiến ở nông thôn tôi đã đưa vào “Làng”. Lúc ấy,
Tây còn đóng ở Cầu Đuống, tôi về làng chơi mấy lần, chứng kiến tận mắt thế nào là “Làng chiến
đấu”. Trong không khí ấy cùng với dư luận bán tín bán nghi và làng Chợ Dầu Việt gian đã khiến tôi
viết truyện này. Ông lão Hai chính là tôi. Dù về nhiều khía cạnh, tất nhiên rất khác. Song cái cốt lõi
tâm trạng vẫn là tôi, đó là tâm lí rất thật của dân tản cư…” (Kim Lân – Chặng đầu đi tới – Tạp chí
văn nghệ số 1)
-Trang 11-