Page 171 - GIAI PHẨM KHOA 12 HVQGNNSG
P. 171
GIAI PHẨM KHOÁ 12 HỌC VIỆN QUỐC GIA NÔNG NGHIỆP SÀI GÒN
này vì bọn con trai đều ngẫn tò te mỗi khi em cất tiếng hát), do đó em
thường hay đứng mũi chịu sào cho nhóm con gái của chúng em mỗi khi
bị thua. Ngoài trò chơi câu đố, chúng em cũng hay chơi trò bắt dính
chùm. Khi ấy, nó cứ nhè em mà rượt đuổi, để được cùng dính chùm. Em
cũng khôn lắm, biết ý nó, nên vừa chạy vừa chờ, khi bắt được em, nó chỉ
dám nắm chéo áo của em, rồi cười hềnh hệch, mặt ngây ngất, 2 tai phe
phẩy ra chiều thích chí lắm.Tuổi thơ trong sáng của chúng em cứ thế mà
êm đềm trôi.
Rồi thời gian qua, em càng lớn càng cao, tóc dài ra, da trắng thêm (đến
cái nốt ruồi ờ cạnh càm trái cũng đẹp và duyên dáng hơn). Dĩ nhiên là
giọng ca của em cũng càng ngày càng trau chuốt, chất lượng, quyến rũ
hơn, và em cũng được nhiều người đón đưa hơn. Em tham gia văn nghệ
trong trường và nhận được nhiều lời mời ca hát trong các tiệc tùng. Cuộc
họp nhóm trong xóm mỗi tối thưa dần rồi hết hẳn lúc nào em cũng
không nhớ, vì thế em cũng ít có dịp gặp nó. Thỉnh thoảng em thấy nó
ngồi trước hàng hiên nhà, ôm guitar, nghêu ngao rống bài “Giọng ca dĩ
vãng (Bào Thu)” (Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát. Thì anh tay
phím nắn nót cung đàn….) mỗi khi em đi ngang qua. Thật tình em cũng
thấy cảm động, nhưng giá mà nó hát hay hơn thì chắc là em với nó đã
thành cặp song ca “Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết” nổi danh một thời.
Rồi biến cố xảy ra, Ba em mất trong một chuyến công tác. Gia đình em
một lần nữa dọn lên Sài gòn, em được vào học trường Quốc gia Nghĩa
Tử. Từ đó em bặt tin tức của nó, cho đến một hôm, nó, bây giờ là một
anh thanh niên nhổ giò cao lớn, tìm đến tận nhà thăm em (cô em gái con
cô cậu của nó học cùng trường và cùng sinh hoạt văn nghệ chung với
em, nên có lẽ cô nàng cho nó biết địa chỉ nhà em). Chúng em nhìn nhau
hơi ngỡ ngàng, nói vài câu thăm hỏi xã giao, rồi “nó” phải ra về vì em
bận đi hát. Sau vài lần như vậy, rồi không thấy “nó” đến nữa.
Giá mà “nó” cứ kiên trì “xách cái đàn đi xuống, đi lên”, biết đâu em
không nghĩ lại những lần dính chùm đầy kỷ niệm của ngày thơ ấu.
168