Page 5 - Tinh doi
P. 5
LỜI GIỚI THIỆU
Yêu thơ từ thuở còn cắp sách đến trường, đã có những tập sưu tầm thơ làm kỷ niệm.
Cũng đã từng viết thơ tặng bạn gái và viết về mình, nhưng đáng tiếc là chưa có ý thức
lưu trữ nên các bài thơ làm trong thời tuổi trẻ đã không giữ lại được (mặc dù không có
thời gian viết nhiều). Chỉ đến khi rời bỏ nhiệm sở, có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, mặt
khác khi xa rời chốn ồn ào sôi động, người ta có chút hoài niệm về quá khứ. Những kỷ
niệm đẹp, tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người là chất liệu quý giá để thể hiện ra
bề ngoài, dưới dạng những tác phẩm nghệ thuật, hội họa, âm nhạc hoặc văn, thơ – tùy
theo sở thích và năng lực của mỗi người.
Trần Lạc, rất thú vị khi đọc được những bài thơ hay của các nhà thơ chuyên nghiệp và
không chuyên. Đặc biệt thích thú khi đọc được cả hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm
hay như: “Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ, T.T.Kh với bài thơ tình tuyệt đỉnh “Hái sắc
Hoa Ti gon”, hay “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan…
Thi thoảng, lắng nghe âm thanh sống động từ cuộc sống, đôi lần nhớ về những kỷ niệm,
cảm xúc trong cuộc đời, Trần Lạc và Kim Tuyến viết vài dòng gọi là “Thơ” cho vui. Rồi
cũng lưu trữ bài bản, đến nay đã có hơn 50 bài.
Cảm xúc trong thơ của Trần Lạc hầu hết là những tình cảm về Cha Mẹ, các đấng sinh
thành và nuôi dưỡng Trần Lạc khôn lớn, cho học hành đầy đủ, được dạy dỗ sống luôn
là người tử tế. Để cảm tạ công ơn trời biển của Cha Mẹ, Trần Lạc đã viết trong các bài
“Nhớ Mẹ”, “Mừng Mẹ”, “Tết vắng Cha”…như một lời báo hiếu, tri ân đến Cha Mẹ
kính yêu.
Sớm xa nhà, lập nghiệp xa gia đình quê hương và trên hành trình mưu sinh, đã từng đặt
chân đến rất nhiều địa danh trong và ngoài nước. Dù ở lứa tuổi nào, dù ở đâu, tình cảm
quê hương – nơi Trần Lạc cất tiếng khóc chào đời luôn thổn thức, đau đáu nhớ nhung.
Có thể vì tuổi thơ của Trần Lạc trải qua nhiều kỷ niệm nhọc nhằn nên mới cảm thấy quý
giá, thiêng liêng đến vậy, chẳng cắt nghĩa được, nhưng tình yêu và nỗi nhớ quê đã từ
lâu canh cánh trong lòng. Những cảm xúc có lúc thăng hoa, giúp Trần Lạc viết nên
những vần thơ gần gũi và rất thực trong loạt bài “Nỗi nhớ Quê hương”, “Tình Quê”,
“Về đi em”…
Có mười năm cắp sách đến trường trước khi trở thành “người lớn”, tuổi vô tư ngây ngô
đã đan dày những kỷ niệm sâu lắng, nhưng phải nói rằng: tình cảm lứa tuổi học trò sâu
đậm nhất là ở những năm tháng học Cấp III (THPH thời nay). Những năm tháng đó
không còn là trẻ con, chưa thành người lớn cứ tự nhiên mà thể hiện mình. Chính vì vậy
mà những năm tháng ấy đã để lại nhiều dấu ấn khó quên, đó là tình cảm với Thầy Cô,
với bạn bè cùng trang lứa. Đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Thầy – trò
cùng nhau gắn bó trong dạy và học đã tạo nên một thứ tình cảm thiêng liêng. Thiêng
liêng vì trong sáng, vô tư và nó gắn với tương lai đầy ước mơ, hoài bảo nhưng cũng là
những ẩn số khó đoán định! Trần Lạc đã rút ruột gan của mình để diễn tả về tình cảm
nội tâm gắn bó với Lớp C, Khóa 71-74 Trường Cấp III Trần Phú – Đức Thọ qua các bài
“Hoài niệm tuổi học trò”, “Nhớ trường”, “Tháng Năm”, “Về Hội Lớp người ơi”…