Page 13 - 8 - Những Tâm Hồn Cao Thượng
P. 13

“Ôi, không được đâu!”, anh ta cương quyết từ chối. “Cháu không thể nào ăn cơm nhà bác được.
  Cháu phải đi ngay. Không, cháu không thể ở lại được.”


      “Đừng nói vớ vẩn nữa”, tôi bảo. “Ăn có bữa cơm mất bao nhiêu thời gian mà không thể được? Với
  lại, xưa nay chưa có ai tới nhà bác vào giờ cơm mà khi ra về lại không ăn cả. Hay là cháu muốn vợ
  bác nằm lăn xuống sình trước xe cháu để mời hả?”


      Vẫn còn phản kháng, nhưng người thanh niên đành chịu để bố con tôi kéo vào nhà. Nhưng tôi cảm
  thấy cậu ta từ chối ăn cơm dường như vì điều gì khác chứ không đơn thuần chỉ vì phép lịch sự.


      Cậu ta lặng lẽ ngồi xuống bàn trong lúc tôi đọc kinh Tạ Ơn. Nhưng suốt bữa ăn, dường như cậu ấy
  rất sốt ruột. Hầu như cậu ta chẳng chạm đũa vào món gì cả, điều này gần như là một sự xúc phạm đối
  với vợ tôi vì bà ấy vốn tự hào là một trong những người nấu ăn giỏi nhất trong tiểu bang.


      Bữa ăn vừa xong thì cậu thanh niên nhanh chóng đứng bật dậy, nói rằng mình phải lên đường ngay.
  Cậu đã không để ý đến vợ tôi.


      “Cháu nhìn đi, trời vẫn còn mưa xối xả. Quần áo cháu ướt hết cả rồi, và cháu không chịu lạnh nổi
  đâu. Bác biết cháu cũng đã mệt; cả ngày chắc cháu đã phải đi cả một quãng đường dài. Đêm nay cháu

  ở lại nhà bác nhé. Mai cháu sẽ lên đường, người khô ráo, ấm áp và lại được nghỉ ngơi đầy đủ nữa.”
  Vợ tôi nói, và bà ấy liếc nhìn tôi như để tìm sự ủng hộ.


      Tôi khẽ gật đầu đồng ý với vợ. Thực ra không phải lúc nào ta cũng nên cho người lạ vào nhà. Đáng
  tiếc là có rất nhiều người không đáng tin chút nào, nhưng tôi thấy mến chàng thanh niên này. Tôi tin cậu
  ta là người tốt.


      Anh chàng miễn cưỡng đồng ý ở lại qua đêm. Vợ tôi dẫn cậu đến chỗ ngủ rồi treo bộ quần áo của
  cậu cạnh lò sưởi để hong cho khô. Sáng hôm sau, bà ấy còn ủi lại quần áo cho cậu ta và dọn cho cậu
  một bữa điểm tâm ngon lành. Cậu ta có vẻ rất thích thú với bữa ăn này. Buổi sáng hôm đó, anh chàng
  dường như điềm tĩnh hơn, không còn đứng ngồi không yên như tối hôm trước nữa. Trước khi đi, cậu ấy
  đã hết sức cảm ơn gia đình chúng tôi.


      Lạ một điều là tối hôm qua, chàng trai ấy từ thung lũng nhắm hướng về thành phố nhưng khi ra đi,
  cậu ta lại quay đầu xe về phía bắc hướng tới Roseville, trung tâm của hạt này. Cả nhà chúng tôi rất
  thắc mắc về chuyện đó, nhưng rồi chúng tôi nghĩ rằng có lẽ cậu ta bối rối nên đi nhầm đường.


      Thời gian trôi qua, gia đình tôi không hề biết thêm tin tức gì về chàng thanh niên ấy. Thực sự thì
  chúng tôi cũng không mong chờ điều gì cả. Năm tháng cứ thế trôi qua. Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa

  kết thúc đã dẫn đến sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh. Cuối cùng chiến tranh cũng chấm dứt. Linda
  trưởng thành và đã có gia đình riêng. Bây giờ mọi thứ ở nông trại đã khác trước rất nhiều, khác với
  thuở mà gia đình chúng tôi còn phải chật vật vì cuộc sống. Vợ chồng tôi hiện sống khá sung túc và yên
  ổn giữa thung lũng Greenbriar xinh đẹp.


      Chỉ mới hôm kia, tôi nhận được một lá thư gởi từ Chicago. Đó là thư riêng, được viết trên một loại
  giấy đắt tiền. Tôi tự hỏi: Ai có thể viết thư cho mình từ Chicago vào lúc này nhỉ? Tôi mở bức thư ra
  đọc:
   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18