Page 19 - Digital
P. 19
Điểm lại tháng 8/2021 VIỆT NAM SỐ HOÁ: CON ĐƯỜNG ĐẾN TƯƠNG LAI
GIỚI THIỆU
Sau mười bảy tháng sống trong đại dịch COVID-19, vắc-xin được triển khai tiêm trên diện rộng đang mang
đến hi vọng đại dịch sẽ kết thúc, và quá trình phục hồi trên toàn cầu đang diễn ra, tuy chưa đồng đều. Tuy
nhiên, bất định về biến thể mới và về tốc độ triển khai tiêm và chấp nhận tiêm vắc-xin khiến những dự báo
về lộ trình đi đến phục hồi hoàn toàn chỉ mang tính dự kiến. Trong khi một số quốc gia trên thế giới được kỳ
vọng sẽ hồi phục lại ngay sau đợt suy thoái kinh tế lớn nhất trong 80 năm qua nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin
diện rộng, thì sự lây lan của biến thể mới, như biến thể Delta, đang làm dấy lên nghi ngại về khả năng chấm
dứt đại dịch. Phần lớn các quốc gia - bao gồm các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển, và các
quốc gia thu nhập thấp - đang bị trói chân trói tay do hạn chế khả năng tiếp cận vắc-xin và nguồn lực tài
chính để duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng nhằm kích hoạt quá trình hồi phục. Theo dự báo mới
nhất của Ngân hàng Thế giới, Hoa Kỳ, Khu vực đồng Euro, và Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng lần lượt
ở các mức 5,4%, 6,8% và 8,6% trong năm 2021. Ngược lại, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát
triển - ngoại trừ Trung Quốc – sẽ tăng trưởng 4,4%, trong khi các quốc gia thu nhập thấp chỉ tăng trưởng
bình quân 2,2% trong năm. 3
Trong bối cảnh bất định trên toàn cầu như vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa
đầu năm 2021, nhưng đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng cả trong và ngoài nước, bao gồm
đợt dịch COVID-19 bùng phát cuối tháng 4. Sau khi có kết quả xuất sắc về kiểm soát dịch COVID-19 và đạt
được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thuộc hàng cao nhất trên thế giới, ở mức 2,9% năm
2020 (Hình1.1), nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững chắc 5,6% trong nửa đầu năm 2021 (Hình 1.2). Tuy
nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch,
một phần do tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp (Hình 1.3). Kể từ đầu tháng 5, các hoạt động công nghiệp chế biến,
chế tạo và dịch vụ ngày càng bị trói chân trói tay bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm
chế vi-rút lây lan trong cộng đồng. Đến giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, các tỉnh
phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt, gây ảnh
hưởng đến các hoạt động kinh tế (Hình 1.4). Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng
áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vắc-xin vượt trội đang tái khởi động
hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam do đứt gãy sản xuất
vì dịch COVID-19 năm 2020. Chính vì thế, nền kinh tế có thể bị mất đi cả động lực tăng trưởng trong nước
và động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế đối ngoại, nếu không nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch
đang diễn ra. Chính phủ đã ứng phó bằng cách tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ban hành gói
hỗ trợ tài khóa mới vào đầu tháng 7 ở mức khoảng 1 tỷ USD. Tốc độ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin diện
rộng cũng đã được đẩy nhanh.
Phần 1 của Báo cáo Điểm lại kỳ này sẽ cập nhật những diễn biến gần đây trong nền kinh tế Việt Nam và
đánh giá triển vọng của nền kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Trong đó, phần đầu tìm hiểu về kết quả
tăng trưởng, cán cân kinh tế đối ngoại và các chính sách tài khóa và tiền tệ ứng phó trong nửa đầu năm
2020. Phần thứ hai bàn về viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong hai đến ba năm tới, chỉ ra những rủi ro trong
nước và bên ngoài. Phần thứ ba bàn về vai trò của chuyển đổi số trong việc giải quyết những hệ quả ngắn
hạn của đại dịch COVID-19 và hỗ trợ khát vọng đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm
2045.
3 Nhóm Ngân hàng Thế giới 2021.
19