Page 1013 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 1013

Phaàn VI: Löôïc chí caùc xaõ, phöôøng    1013



                  XVIII. Xã Tiền An

                  1. Địa lý tự nhiên

                  Xã Tiền An nằm ở phía Đông của thị xã Quảng Yên, cách trung tâm thị xã khoảng
               4 km. Xã có vị trí địa lý: phía Đông giáp phường Tân An và Minh Thành, phía Tây giáp
               phường Quảng Yên, phía Nam giáp phường Hà An, phía Bắc giáp phường Cộng Hòa.
                  Là một xã trung du ven biển, Tiền An có địa hình đồi núi thấp dần về phía Nam.
               Tổng diện tích đất tự nhiên của xã 1.138,1 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp
               584,8 ha, diện tích đất phi nông nghiệp 545,9 ha, diện tích đất chưa sử dụng 7,4 ha. Đất
               nông nghiệp chiếm phần lớn diện tích, là tiềm năng cho xã phát triển trồng trọt. Ngoài
               ra, xã còn có nguồn tài nguyên đất sét, đất đồi pha sét, thuận lợi cho sản xuất đồ gốm
               sứ, vật liệu xây dựng.

                  Trên địa bàn xã có Tỉnh lộ 331B và nút giao thông nối với đường cao tốc Hạ Long -
               Hải Phòng chạy qua. Xã cũng có nhiều đầu mối giao thông đi các xã, phường trong thị
               xã và đi các thành phố lớn: Hạ Long, Uông Bí, Hải Phòng. Các tuyến đường liên thôn,
               đường trục chính thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng được đầu tư xây dựng đồng
               bộ với tổng chiều dài 119 km. Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn hoàn
               chỉnh, là lợi thế để Tiền An thúc đẩy các hoạt động giao thương, buôn bán với các địa
               phương và các vùng lân cận.

                  Với vị trí địa lý, địa hình thuận lợi, xã Tiền An có điều kiện để phát triển đa dạng các
               ngành kinh tế với cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp và thương mại - dịch vụ.

                  2. Khái quát quá trình hình thành
                  Vùng đất Tiền An có lịch sử hình thành từ lâu đời. Thời Hùng Vương - An Dương
               Vương, đất nước chia làm 15 bộ, vùng đất Tiền An thuộc bộ Ninh Hải. Từ thời Đinh đến
               đầu thời Lý, vùng này thuộc trấn Triều Dương. Đến năm 1023, trấn Triều Dương đổi
               thành châu Vĩnh An.

                  Vào cuối thời Trần (khoảng năm 1350 - 1400), vùng đất Tiền An hình thành 3 thôn
               nhỏ: Lương Đường, Đồng Lá và Minh Đang. Thời Lê sơ, năm 1466, vua Lê Thánh Tông
               chia cả nước thành các thừa tuyên, ba thôn trên thuộc thừa tuyên An Bang. Đến thời
               vua Lê Anh Tông, do kỵ húy vua là Lê Duy Bang nên An Bang được đổi tên thành An
               Quảng. Đến năm 1640, ba thôn Lương Đường, Đồng Lá và Minh Đang hợp thành làng
               La Khê, thuộc huyện An Hưng, trấn An Quảng. Năm 1709, chúa Trịnh Cương lên làm
               An Đô Vương nên chữ An được đọc thành Yên, An Hưng đổi thành Yên Hưng, An Quảng
               đổi thành Yên Quảng. Làng La Khê khi đó thuộc huyện Yên Hưng, trấn Yên Quảng.

                  Thời Nguyễn, trấn Yên Quảng được đổi thành trấn Quảng Yên, sau đổi thành tỉnh
               Quảng Yên. Năm 1831, làng La Khê được đổi thành xã La Khê, thuộc tổng Hà Bắc,
               huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Xã La Khê có vị trí phía Đông giáp Sông Hốt, phía
               Nam giáp Sông Chanh, phía Bắc giáp sông Yên Lập.

                  Ngày 22/11/1948, các xã La Khê, Hoàng Lỗ và Bùi Xá được sáp nhập thành xã Tiền
               An, thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Tên gọi Tiền An mang ý nghĩa lấy “An
               khang thịnh vượng” làm đầu, hướng tới tương lai tốt đẹp.
   1008   1009   1010   1011   1012   1013   1014   1015   1016   1017   1018