Page 294 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 294
294 Ñòa chí Quaûng Yeân
và lớn mạnh, số lượng và chất lượng đoàn viên được nâng cao. Đến năm 2023, Đoàn
Thanh niên thị xã có gần 7.000 đoàn viên, sinh hoạt trong 35 tổ chức cơ sở Đoàn.
2. Các hoạt động nổi bật của Đoàn Thanh niên thị xã Quảng Yên
Từ năm 1931 - 1945
Ngay từ những năm 1931, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh và các phong trào đấu
tranh ở vùng mỏ Quảng Ninh và Hải Phòng đã có ảnh hưởng ít nhiều đến thị xã Quảng
Yên và huyện Yên Hưng. Với sự thành lập của Chi bộ Nhà máy Kẽm Quảng Yên và Chi
bộ Rãng Động (năm 1940), các hoạt động học tập văn hóa, học chữ Quốc ngữ... được Chi
bộ tổ chức và nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo thanh niên. Thanh niên
trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục ý thức cách mạng cho quần chúng.
Ngày 01/5/1940, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, hội viên Hội Thanh niên phản đế
phối hợp với công nhân Nhà máy Kẽm tổ chức rải truyền đơn, kêu gọi quần chúng đấu
tranh. Sáng sớm ngày 01/5/1940, thanh niên Ngô Quang Phúc - một quần chúng cảm
tình của Chi bộ Nhà máy Kẽm Quảng Yên treo cờ đỏ búa liềm lên cột ống khói nhà máy
đã tạo nên tiếng vang lớn. Ở khu vực Rãng Động, đông đảo thanh niên cùng nhân dân
treo cờ, rải truyền đơn, mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.
Từ năm 1942 - 1945, phong trào thanh niên ở thị xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng
bắt đầu phát triển. Thanh niên là lực lượng hăng hái tham gia các phong trào luyện tập
quân sự, vận động quần chúng đóng tiền mua sắm vũ khí, tổ chức đấu tranh chống sưu
cao, thuế nặng... Nhiều đoàn viên thanh niên cứu quốc được đưa vào đội tự vệ, đội danh
dự vũ trang, tham gia các hoạt động luyện tập, huấn luyện quân sự và tham gia vào
cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần cùng nhân dân thị xã Quảng Yên và
huyện Yên Hưng giành được chính quyền vào ngày 20/7/1945.
Từ năm 1946 - 1955
Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân thị xã
Quảng Yên và huyện Yên Hưng, trong đó có đông đảo thanh niên tham gia xây dựng,
bảo vệ chính quyền và chiến đấu chống thực dân Pháp. Thanh niên thị xã Quảng Yên
và huyện Yên Hưng trở thành lực lượng đi đầu trong các phong trào tăng gia sản xuất,
chống giặc đói, giặc dốt, tiết kiệm ủng hộ cách mạng, ủng hộ Chính phủ, tuyên truyền
bầu cử đại biểu Quốc hội và trở thành chỗ dựa, cánh tay đắc lực của Đảng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống giặc ngoại xâm, chia lửa
với đồng bào và tuổi trẻ Nam Bộ, nhiều thanh niên thị xã Quảng Yên và huyện Yên
Hưng tình nguyện tham gia đoàn quân “Nam tiến” hoặc ở lại quê hương gia nhập Trung
đoàn 98, tham gia thành lập Đại đội tự vệ Bạch Đằng và các tiểu đội du kích.
Từ tháng 12/1946 - 4/1955, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt trên
địa bàn thị xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng. Tuổi trẻ thị xã Quảng Yên và huyện Yên
Hưng cùng nhân dân và bộ đội kiên cường chống lại các cuộc bình định của thực dân
Pháp, đẩy mạnh hoạt động phá tề, trừ gian, vận động thanh niên nhập ngũ, chống lại
âm mưu bắt lính của thực dân Pháp và tay sai, đồng thời tham gia các phong trào văn
hóa cách mạng.