Page 289 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 289
Phaàn III: Heä thoáng chính trò 289
Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Hội Nông dân thị xã ngày càng lớn
mạnh. Đến năm 2023, Hội Nông dân thị xã trải qua 11 kỳ Đại hội, có 15.093 hội viên,
sinh hoạt trong 172 chi hội. 100% xã, phường, thôn, khu phố có tổ chức Hội.
2. Các hoạt động nổi bật của Hội Nông dân thị xã Quảng Yên
Từ năm 1945 - 1975
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa được thành lập. Song ngay từ những ngày đầu thành lập, nước ta phải đối
mặt với nhiều khó khăn, thách thức, giặc đói, giặc dốt, thù trong, giặc ngoài đẩy nước ta
rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ,
nông dân Yên Hưng và thị xã Quảng Yên tích cực tăng gia sản xuất, xóa nạn mù chữ và
chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nông dân Yên Hưng và thị xã
Quảng Yên kiên cường bám đất, bám làng, đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh chống bắt
lính; đồng thời đóng góp lương thực, nuôi giấu bộ đội, góp phần cùng quân dân cả nước
đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1955 - 1975), nông dân hăng hái đi bộ
đội, tích cực tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế -
xã hội. Hội Nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của
Đảng về thành lập tổ đổi công, cải cách ruộng đất đến nông dân, từ đó người dân thấy
được tính ưu việt của các phong trào và tình nguyện tham gia tổ đổi công, thực hiện cải
cách ruộng đất và tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp.
Các phong trào thi đua trong lao động sản xuất cũng được Hội phát động và nhận
được sự hưởng ứng tích cực của hội viên, trong đó điển hình là phong trào “Làm theo
lời Bác, thi đua lao động sản xuất đạt năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi,
cây công nghiệp tăng”. Trước những đợt ném bom bắn phá của máy bay Mỹ, hội viên
Hội Nông dân vững tay cày, chắc tay súng, vừa sản xuất vừa chiến đấu và chi viện sức
người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc
kháng chiến.
Từ năm 1975 - 1985
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, thực hiện chủ
trương của Đảng và Chính phủ về cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước
quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ
nghĩa, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể huyện Yên Hưng vận động hội viên đẩy mạnh
làm đất, phân bón, tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, xây dựng “Ao cá Bác Hồ”,
tham gia vào các đội chuyên làm phân, đội giống... đồng thời phối hợp với các hợp tác xã
phát huy quyền làm chủ trong sản xuất và quản lý kinh tế của nông dân.
Năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về “cải tiến
công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong
hợp tác xã nông nghiệp”, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể huyện tham gia tổ chức các lớp
học tập về cách thức khoán đến hội viên. Thông qua học tập, người nông dân hiểu được
nội dung, ý nghĩa của công tác khoán và tích cực tham gia lao động sản xuất, tinh thần
làm chủ, ý thức trách nhiệm của người dân được nâng cao.