Page 14 - Ky yeu 75 nam Thong ke Phu Tho
P. 14
Ngành Thống kê tỉnh Phú Thọ 75 năm xây dựng và phát triển
VÀI NÉT VỀ VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA TỈNH PHÚ THỌ
Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Tuyên
Quang, phía Tây Bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Đông Nam
giáp thủ đô Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình. Trung tâm
hành chính, kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục của tỉnh là thành phố Việt Trì, cách trung
tâm thủ đô Hà Nội 80 km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km về phía Tây Bắc.
Phú Thọ là vùng Đất Tổ, cội nguồn của dân tộc Việt Nam; nơi đây các vua Hùng đã
dựng nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu.
Tỉnh Phú Thọ có 1 thành phố trực thuộc, 1 thị xã và 11 huyện, 225 xã/phường/thị trấn. Tỉnh
có diện tích tự nhiên rộng 3.534,5 km², chiếm 1,5% diện tích cả nước. Tính đến 01/01/2021,
dân số thực tế thường trú trên địa bàn tỉnh có 1.481,9 ngàn người, trong đó dân số sống
tại nông thôn, vùng núi khoảng 81% và sống tại thành thị khoảng 19%. Phú Thọ nằm trong
vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có mùa Đông khô và lạnh. Nhìn chung khí hậu trên địa bàn
tỉnh thuận lợi cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi; trên địa bàn tỉnh có 3 con sông lớn chảy
qua: Sông Hồng (đoạn từ Lào Cai đến Việt Trì được gọi là sông Thao), sông Lô và sông Đà,
3 dòng sông hợp lại với nhau tại thành phố Việt Trì. Địa hình của tỉnh chủ yếu là đồi núi,
những vùng đất bằng phẳng nằm rải rác trong tỉnh, trong đó: Vùng Núi chiếm 79% diện tích
tự nhiên toàn tỉnh, vùng Trung du chiếm 14,35% và vùng Đồng bằng chiếm 6,65%. Điểm
cao nhất có độ cao 1.200 m, điểm thấp nhất có độ cao 30m so với mực nước biển; độ cao
trung bình là 250 m so với mực nước biển.
Phú Thọ có nền văn hoá rực rỡ, phong phú từ lâu đời. Những di chỉ khảo cổ văn hoá Sơn Vi, Đồng Đậu, Làng Cả và
nhiều đình, chùa, lăng, tẩm còn lại quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh cho thấy đất Phong Châu là một trung tâm văn hoá của dân tộc
Việt Nam. Di tích lịch sử quan trọng là Đền quốc mẫu Âu Cơ, khu di tích lịch sử Đền Hùng. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất
nhiều lễ hội truyền thống dân tộc, lớn nhất là lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, năm
2012 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; bên cạnh đó nơi đây còn có những đặc
trưng văn hoá riêng như: ca dao, tục ngữ, hát ví, hát xoan - năm 2011 hát xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
14