Page 16 - Ky yeu 75 nam Thong ke Phu Tho
P. 16
Ngành Thống kê tỉnh Phú Thọ 75 năm xây dựng và phát triển
II. THỐNG KÊ PHÚ THỌ THỜI KỲ 1956-1967
Ngày 16 và 18/6/1954, thực dân Pháp rút khỏi Việt Trì và Hạ Nông (Tam Nông), tỉnh Phú Thọ hoàn toàn được giải phóng;
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20/7/1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn như:
Nền kinh tế nhỏ bé, hạ tầng kinh tế kỹ thuật còn rất nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sản xuất bị ngưng trệ,
thiếu nguyên nhiên vật liệu, năng lượng,… cho sản xuất; số người thất nghiệp ở thành thị tăng lên; ở nông thôn, ruộng đất bị bỏ
hoang nhiều, sức kéo trong nông nghiệp thiếu hụt nghiêm trọng, công cụ sản xuất vừa thiếu, vừa lạc hậu; hạ tầng giao thông, vận
tải gần như tê liệt,…
Trong điều kiện đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã họp và đề ra nhiệm vụ phải nhanh chóng khôi
phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Mục tiêu và yêu cầu đặt ra lúc này là khôi phục lại mức sản xuất bằng mức trước chiến
tranh thế giới lần thứ hai (1939), hàn gắn vết thương chiến tranh, giảm bớt khó khăn và nâng cao dần mức sống của nhân dân,
đồng thời tạo điều kiện để xây dựng và phát triển kinh tế. Do đó, thời gian này nhu cầu thông tin thống kê đã tăng nhanh cả về số
lượng và chất lượng, việc đáp ứng các yêu cầu thông tin thống kê của Đảng và Nhà nước cũng như của các cấp, các ngành và địa
phương là nhiệm vụ chính trị lớn nhất đặt ra đối với ngành Thống kê, tuy nhiên cơ cấu tổ chức và hoạt động của Phòng Thống kê
trong Văn phòng Thủ tướng Chính phủ (thành lập theo Nghị định số 38/TTg ngày 09/8/1950) lúc này không đáp ứng được yêu
cầu. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ kèm theo Quyết định số 695/TTg ngày 20/02/1956 về tổ chức của cơ quan
thống kê các cấp, cụ thể: Ở Trung ương, có Cục Thống kê Trung ương nằm trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và có các tổ chức
thống kê ở các bộ; ở địa phương có Ban Thống kê tỉnh, các Phòng Thống kê huyện; trong các cơ quan, xí nghiệp cũng có tổ chức
thống kê của từng cơ quan, xí nghiệp.
Thời kỳ này Cục Thống kê Trung ương có các nhiệm vụ chính sau: Lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi công việc thống
kê và kế toán trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; sưu tầm, thu thập, khai thác, nghiên cứu và đệ trình Chính phủ những tài
liệu thống kê chính xác, phân tích một cách khoa học để có thể nêu được quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, sự phát triển
kinh tế và văn hóa, những nguồn tài nguyên và cách sử dụng các nguồn tài nguyên đó, tỷ lệ phát triển của từng ngành kinh tế, văn
hóa và mức độ phát triển của từng ngành trên phạm vi của cả nước cũng như trong phạm vi của từng địa phương.
Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/TTg ngày 08/4/1957 về việc quy định tổ chức, nhiệm vụ,
quyền hạn của cơ quan thống kê các cấp, các ngành, trong đó quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Thống kê trung
ương, của Chi cục Thống kê tỉnh, của Phòng Thống kê cấp huyện và của Ban Thống kê cấp xã.
16