Page 133 - thphanvantriq1_1105581_1ho-chi-minh-bien-nien-tie
P. 133
133
Bài viết kể lại vụ xử án anh công nhân da đen Hôxê Lêanđrô đa Xinva ở Braxin.
Anh tham gia bãi công, bị cảnh sát bắt, đánh đập tàn nhẫn, rồi bị đưa ra toà, bị kết
án 30 năm tù khổ sai.
Được tin đó, lập tức "anh em công nhân cách mạng lập ngay một Uỷ ban bảo vệ"
và "một chiến dịch vận động đấu tranh ủng hộ Hôxê được tiến hành mạnh mẽ suốt
ba năm". Dư luận công chúng công phẫn, buộc nhà chức trách phải xử lại... và cuối
cùng toà xử trắng án.
Tác giả kể:
"Bản tuyên án được hoan nghênh bằng những tiếng vỗ tay vang như sấm. Và Hôxê,
anh chiến sĩ bãi công da đen ngả mình trong cánh tay các đồng chí và các người bảo
vệ anh, những đại biểu của công nhân da trắng".
Và kết luận:
"Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người
bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà
thôi: tình hữu ái vô sản".
Trong tháng, bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Phụ nữ phương Đông, đăng trên
Tạp chí Nga Rabốtnhitxa (Nữ công nhân).
Tác giả đã giới thiệu sự chuyển mình của phụ nữ các nước phương Đông: phụ nữ
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc
phương Tây; phụ nữ Ấn Độ vùng lên chống lại sự đô hộ của Anh; phụ nữ Triều
Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc; phụ nữ Nhật Bản đã buộc Chính
phủ phải huỷ bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị, v.v..
Về kinh tế, tác giả viết "những "bông hồng" của phương Đông bắt đầu tỏ cho chủ
nghĩa tư bản thấy ở họ có những chiếc gai nhọn. Những cuộc bãi công của nữ công
nhân ở các nhà máy và xưởng dệt lụa không còn là hiện tượng hiếm nữa".
Về tổ chức, "trong các tổ chức công đoàn Nhật Bản, phụ nữ chiếm một tỷ lệ đáng
kể. Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc mới thành lập được 3 năm đã có trong
hàng ngũ của mình hơn 150 nữ công nhân và nữ sinh viên".
"Từ khi đồng chí Lênin mất, các tổ chức chính trị, văn hoá và các tổ chức khác của
học sinh các nước phương Đông tổ chức nhiều cuộc mít tinh và hội họp".
Tác giả giới thiệu toàn văn Lời kêu gọi của một nữ sinh viên đăng trên báo Phụ nữ ở
Thượng Hải (Trung Quốc) và kết luận:
"Lời kêu gọi trên đây nói lên rằng đã có một bước ngoặt lớn ở các nước phương
Đông từ khi ngọn cờ đỏ in hình búa liềm tung bay trên nước Nga Sa hoàng".
- Nguyễn Ái Quốc: Những bài đăng trên báo Le Paria, Nxb. Sự thật, Hà
Nội, 1987, tr.93 - 98.
- Tạp chí Rabốtnhitxa, tiếng Nga, số 9, tháng 5-1924.