Page 194 - Em Học Python
P. 194
vẫn di chuyển tương đối trên một mặt phẳng (đây còn được gọi là đồ họa nổi ⟨isometric
graphics⟩). Cuối cùng ta có game ba chiều 3D ⟨three-dimensional⟩ với các hình ảnh trên màn
hình được vẽ ra giống y như ngoài đời thực. Game cho dù là đồ họa 2D, đồ hoạ mô phỏng
3D hay đồ hoạ 3D, đều có một điểm chung: các hình ảnh cần phải được vẽ cực nhanh trên
màn hình máy tính.
Nếu em chưa bao giờ thử vẽ hình ảnh động, hãy thử trò chơi nho nhỏ sau:
1. Lấy vài tờ giấy trắng cùng kích thước, chọn một góc bất kỳ của tờ đầu tiên rồi vẽ
một hình gì đó (hình người nguệch ngoạc gì cũng được).
2. Trang sau, cùng góc đó, vẽ hình người tương tự trang trước, nhưng hơi giơ chân lên.
3. Trang tiếp, cũng góc đó, cũng hình người đó, nhưng chân giơ cao thêm chút nữa.
4. Cứ thế từng trang một, mỗi hình người lại được sửa đi một chút.
Làm xong, cố gắng lật thật nhanh từng trang một, em sẽ thấy hình người của em
đang di chuyển. Đây là phương pháp căn bản nhất để tạo ra các hình ảnh động, từ phim
hoạt hình trên TV cho đến game trên máy tính. Mỗi hình ảnh vẽ ra được sửa lại một chút
tạo ra cho ta ảo giác của các chuyển động. Để một hình ảnh trông như đang di chuyển thật,
ta cần hiển thị ra các khung hình ⟨frame⟩ , là hình ảnh đơn lẻ của một chuyển động, thật
nhanh.
Python cung cấp cho ta vài cách khác nhau để tạo ra hình ảnh. Ngoài module
turtle ra, em có thể sử dụng các module bên ngoài khác (cần phải cài đặt riêng), hoặc là sử
dụng module tkinter, vốn đã có sẵn khi cài Python rồi. tkinter có thể được sử dụng để
tạo ra một ứng dụng thật sự hoàn chỉnh, như một chương trình xử lý văn bản đơn giản
chẳng hạn, hoặc dùng để tạo các hình vẽ đơn giản cũng được. Trong chương này, ta sẽ
cùng nghiên cứu làm thế nào để dùng tkinter tạo ra các hình ảnh nhé.
TẠO NÚT NHẤN NHẤN
Ví dụ đầu tiên của ta sẽ là tạo ra một chương trình hết sức đơn giản, chỉ có duy nhất
một cái nút bấm được. Nhập đoạn code sau vào:
168 Chương 12