Page 183 - Cuốn 70 năm (c)
P. 183
vụ “Hóa chất miền Nam” ở Liên khu IV liên quan đến trí
thức Việt kiều ở Pháp theo Bác Hồ về nước cuối năm 1946,
đồng chí đã chỉ đạo đoàn kiểm tra tại chỗ, xác định rõ sự
thật, giải oan cho đồng chí kỹ sư này. Vụ việc thuyết phục
giám mục Lê Hữu Từ ở Phát Diệm, Ninh Bình; thuyết phục
“Vua Mèo” Vương Chí Sình, ở Đồng Văn, Hà Giang ủng hộ và
tham gia cách mạng kháng chiến. Đặc biệt, vụ án Trần Dụ
Châu, Cục Trưởng Cục Quân nhu tham ô và dung túng cho
cấp dưới làm việc sai trái, trở thành vụ án nổi tiếng thời
chống Pháp và Tòa án quân sự đã xét xử Trần Dụ Châu với
mức án cao nhất… Những vụ việc đồng chí trực tiếp xử lý vẫn
còn để lại nhiều bài học quý và được nhắc đến ngày nay.
Nhiều thế hệ vẫn nhắc đến đồng chí Trần Đăng Ninh với sự
kính trọng về một con người chí công vô tư, luôn phân xử
đúng, sai, rất nghiêm minh, có tình có lý.
Năm 1949, đồng chí tham gia Đảng đoàn Mặt trận Dân
tộc thống nhất, được bổ nhiệm làm Phó Tổng thanh tra của
Chính phủ và được cử vào Ban Giám sát Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam. Năm 1950, đồng chí được phái sang Trung
Quốc đặt quan hệ và yêu cầu bạn chi viện cho cuộc kháng
chiến của Việt Nam. Sau khi về nước, đồng chí được giao
nhiệm vụ đặc phái viên của Chính phủ, phụ trách công tác
cầu đường và vận tải phục vụ tiền tuyến. Tháng 7/1950, đồng
chí được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, Bộ Quốc
phòng. Năm 1951, đồng chí được Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ II của Đảng bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng; tiếp tục phụ trách công tác hậu cần trong quân
đội. Tuy nhiên, do mắc bệnh hiểm nghèo, đồng chí đã mất
vào tháng 10/1955, để lại nhiều thương tiếc cho cán bộ, chiến
sĩ và nhân dân cả nước.
183