Page 150 - Di san van hoa An Duong
P. 150
gập người, cúi đầu cung kính các vị thánh linh thiêng. Đại tự tuy không đề lạc khoản,
nhưng qua hoa văn trang trí có thể khẳng định được tạo tác vào đầu thế kỷ XX.
Đại tự treo tại xà hạ gian trung tâm tòa đại bái, làm bằng gỗ tốt, có khung diềm
kiểu vỏ măng, khung diềm chạm đề tài hoa văn rồng, mây, hoa, lá thiêng, điểm
xuyết các mảng gấm. Đại tự chạm nổi nền gấm, điểm xuyết những mảng mây tản,
cùng đồng tiền chữ thọ. Trong đại tự chạm nổi bốn chữ Hán lớn: “Tung cao duy
nhạc”(崧高维嶽) có nghĩa là các vị Thành hoàng công lớn, đức trọng như núi cao,
lớn (Tung Sơn - một ngọn núi cao trong ngũ nhạc). Đại tự đề dòng lạc khoản, Khải
Định thập niên, mạnh thu, nghĩa là đại tự được tạo tác vào tháng 7 năm 1925.
Ngoài ra, đình Do Nha còn bảo tồn được 2 bộ kiệu bát cống, 3 chiếc nhang
án, 3 bộ long ngai, bài vị. Đình còn gìn giữ được 8 đạo sắc phong của triều Nguyễn
từ niên hiệu Tự Đức đến niên hiệu Duy Tân. Đặc biệt, đình còn bảo quản được
hai bản giáng sắc, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) của điện thờ Đức Thánh
Trần thuộc một gia tộc cư trú tại làng Do Nha, nay điện thờ không còn.
Trước kia làng Do Nha hằng năm tổ chức hội làng để kỷ niệm Thành hoàng vào
ba ngày 15, 16 và 17 tháng 11 âm lịch. Trong hội lễ, dân làng tổ chức rước Thành
hoàng từ ba miếu về vị trí dân làng gọi là “Gốc đa ba bệ”, để hội tụ dâng hương, sau
đó rước về đình làng mở hội. Lễ rước có kiệu bát cống, long đình, bát biểu, long ngai,
bài vị... Vị trí “Gốc đa ba bệ”, xưa kia là gò đống cao, trên xây ba bệ ngai thờ vọng ba
Ngài Thành hoàng, nhưng đã bị mất khoảng thập kỷ 60 của thế kỷ trước, do làm
đường. Ngoài phần dâng hương tế lễ thánh, phần hội làng còn có các trò chơi thi đấu
như: đấu vật, đu tiên, bắt vịt, đi cầu thùm, hát ca trù, chèo sân đình...
Hằng năm, làng có lệ vào dịp 20 tháng 8 âm lịch, ngày hóa của Đức Thánh
Trần, dân làng tổ chức rước tượng Thành hoàng đi quanh làng. Phẩm lễ trong lễ hội
dân làng phân cho các cai đám đảm nhiệm, có bánh dầy, thịt lợn... Ngày nay người
dân địa phương đang từng bước kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa trong lễ
hội truyền thống của làng do tiền nhân xây dựng nên và để lại đến ngày nay.
CHÙA DO NHA
Chùa Do Nha, người dân địa phương gọi theo tên Nôm là chùa Ngà, chùa có
tên chữ là Triệu Tường (肇祥), nghĩa là Phật khai mở ra những điều tốt đẹp tại nơi
đây. Chùa Do Nha nằm gần đình Do Nha, tạo thành cụm di tích lịch sử văn hóa,
khu trung tâm tín ngưỡng, tâm linh của dân làng.
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 150