Page 185 - Di san van hoa An Duong
P. 185
Đình Minh Kha có lịch sử hình thành từ lâu đời và được các thế hệ người dân
trùng tu, tôn tạo để trở thành trung tâm tín ngưỡng quan trọng của địa phương
như hiện nay. Đình tôn thờ 3 vị thành hoàng:
Vị thứ nhất là Hoàng Đăng Bảo. Ông sinh ngày 24 tháng 01 năm Bính Ngọ,
hoá ngày mùng 6 tháng 10 năm Bính Tuất. Theo thần tích, ông là quan Hữu Đô
Đài lĩnh tướng quân ấn, cùng với con của Trần Hưng Đạo đánh thắng quân
Nguyên Mông, sau có giúp tiền của, xin với nhà vua miễn nửa mức thuế cho
người dân Minh Kha.
Vị thứ hai là Nam Hải Thượng đẳng thần (Ngài Phạm Tử Nghi).
Vị thứ ba là Đỗ Bảo Chân (1456 - ?). Ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất
thân khoa thi năm Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời Lê Thánh
Tông, lúc đó ông 38 tuổi. Tục truyền, ông có khu đất bên sông Chợ Rế. Trước năm
1945, khu đất này làm huyện lị, trạm và chợ (An Dương).
Đình Minh Kha có bố cục mặt bằng kiểu “Tiền nhất hậu đinh” truyền thống,
gồm: 5 gian tiền tế, 3 gian trung đường và một gian hậu cung. Mặt chính ngôi đình
quay hướng Tây Nam, phía trước có hồ nước ngọt tạo nguồn sinh khí tốt lành cho
ngôi đình cũng như cộng đồng làng xã địa phương.
Toà tiền đường được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, trụ biểu, mái lợp ngói cổ.
Kết cấu khung chịu lực gồm có hai bộ vì, vì nóc liên kết kiểu thức “chồng rường giá
chiêng”, vì nách “chồng rường trụ trốn”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc được
đắp các đề tài lá lật, đấu sen tiêu biểu như bao ngôi đình làng truyền thống Việt khác.
Toà đại bái và hậu cung được xây mới đơn giản theo kiểu tường hồi bít đốc
trực tiếp vào hệ tường bao.
Trải thời gian lịch sử, đình Minh Kha còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều di vật,
cổ vật tiêu biểu như:
- Một khám thờ có niên đại thời Nguyễn.
- Một kiệu long đình niên đại thời Nguyễn.
- Sáu đạo sắc phong:
+ Sắc niên hiệu Thành Thái thứ 3 (1891) cho phép xã Minh Kha, huyện An
Dương, tỉnh Hải Dương phụng thờ “Trần triều công thần, Hựu Đô đài hộ hưởng,
anh thanh, cương chính, minh nghị, duệ triết, quyết linh, vệ quốc, hồng ân chi
thần”. Được gia phong là “Dực bảo, Trung hưng linh phù chi thần”.
185 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG