Page 182 - Di san van hoa An Duong
P. 182
người thường. Ngài ngồi trên bệ trong khám, mặt vuông chữ điền, mắt nhìn
thẳng, tai to dài, râu dưới cằm dài, tay phải cầm quạt để trên gối phải, tay trái đặt
úp bàn tay trên gối trái, thần tượng đội mũ cánh chuồn, mặc phẩm phục, trên
phẩm phục thêu hoa văn rồng mây, sóng nước, chân đi hia. Thần tượng ngồi
trong tư thế thiết triều, thần thái thể hiện sự uy nghiêm, cương nghị. Khám thần
tượng cũng được tạo tác vào cuối thế kỷ XIX.
- Câu đối bằng gỗ tốt, làm theo kiểu phẳng, có nền gấm, điểm xuyết những
giải hoa văn đồng tiền, hoa lá, chữ Hán sơn then.
Chữ Hán: 夢來神跡天生德
恩及肥兒帝念功
Phiên âm: Mộng lai thần tích thiên sinh đức
Ân cập phì nhi đế niệm công
Dịch nghĩa: Giấc mộng được thần, trời ban đức
Ơn sinh nam, nữ, nước ghi công.
Câu đối được tạc tác vào niên hiệu Khải Định (1916-1925), câu đối do ông
Thân Văn Hậu ở đình Phù Hữu, Bắc Quế cung tiến.
- Đại tự bằng gỗ tốt, đại tự tạo tác khung diềm kép, khung ngoài kiểu vỏ
măng, trên khung chạm hoa dây, điểm xuyết các mảng gấm, diềm trong chạm nổi
hoa văn hoa dây. Nền đại tự mầu đỏ, trong có bốn chữ Hán lớn: “Thượng đẳng
linh thần” (上等靈神), nghĩa là, nơi đây phụng thờ vị Thượng đẳng thần linh
thiêng. Đại tự được xác định có niên đại tạo tác đầu thế kỷ XX.
- Sắc phong, miếu lưu giữ được 4 đạo sắc phong, vua Khải Định năm thứ 2
(1917) 2 đạo, 1 đạo ban phong cho bà Hoàng Thị Lãng, 1 đạo ban cho ông Hoàng
Công Thanh. Niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924), 2 đạo sắc, 1 đạo ban cho bà
Hoàng Thị Lãng và 1 đạo ban cho ông Hoàng Công Thanh.
Trước đây, hằng năm dân làng Lương Quy thường tổ chức hội làng từ 5 đến
7 ngày, từ 10 - 15 tháng 2 âm lịch. Trong dịp lễ hội, dân làng tổ chức rước thần
tượng Thành hoàng Hoàng Công Thanh từ đình về miếu để tế lễ và mở hội. Phẩm
lễ dâng cúng Thành hoàng có thịt lợn, thịt gà, xôi trắng bánh dầy, rượu... Ngoài
phần tế lễ, phần hội có các trò chơi thi đấu như: thi nấu cơm, đấu vật, đánh cờ
người, bắt vịt dưới hồ, thi dệt vải, hát ca trù, hát chèo sân đình...
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 182