Page 178 - Di san van hoa An Duong
P. 178
vua đã mất, đội quân của ông bốn mặt đều có quân giặc bao vây, ông liền xách
đao cưỡi ngựa cùng gia thần lên gò cao nghênh chiến với giặc. Hôm đó sương mù
dầy đặc ông Thanh đánh nhau với giặc từ sáng sớm đến chiều hôm. Đến giờ Tuất
không rõ ông hóa ở đâu, đó là ngày 12 tháng 9. Gia thần người trại Lương Quy
theo ông còn sống trở về báo tin cho dân làng. Nhân dân Lương Quy nhớ ơn công
đức của ông đã trùng tu nơi hành cung của ông trước đây làm miếu thờ ông, đề
thần hiệu là “Thiên quan Đại Vương”.
Bà Hoàng Thị Lãng ở đất Hoàng Lâu, nghe tin ông Thanh mất, nên rất đau
xót. Một hôm bà thu gom hết của cải, tài sản giao cho dân làng, dặn dò mọi việc
xong, liền ra bờ sông gieo mình xuống nước mà hóa. Sau khi bà hóa, dân làng
Hoàng Lâu lập một thảo am ở bờ sông để thờ bà, viết thần hiệu là “Đương Bến Đại
Vương”. Đến niên hiệu Hưng Long, đời Trần, trại Lương Quy bỗng có bệnh dịch,
gia súc ốm chết, các cụ phụ lão đi xem bói được quẻ nói rằng: “Nay có vị nữ quan
ở địa phận Hoàng Lâu là chị ruột của Ngài Đại Vương bản xã, nhân dân nên đến
miếu rước long bài về thờ, bệnh dịch sẽ yên ngay”. Tuy nghe vậy dân làng vẫn
chưa tin, nhưng đêm hôm đó, nhiều người trong làng cùng mộng thấy xa giá của
Đại Vương cùng binh lính, voi ngựa về tại hành cung, triệu người dân đến phán
rằng: “Ta có chị gái, năm trước là Phúc thần của Hoàng Lâu, nhưng xã đó không
thành tâm, vì thế ta tâu với Thượng đế xin được thờ cùng ta làm Phúc thần cho
dân xã. Dân chúng nên vâng theo lệnh ta đến am cỏ ở bến sông xứ ấy, rước long
bài về đây, dân chia ra hai bên tả, bên hữu mà cùng thờ phụng trong miếu. Tuy
cốt nhục chí tình, nhưng nam nữ có khác nên tế cúng riêng, chỉ lễ cầu phúc mùa
xuân mới được tế chung, đó là theo lễ mà tùy nghi vậy. Nếu dân chúng không
theo mệnh lệnh này, Hoàng thiên trách lỗi thì không thể trốn tội được”. Mọi
người dân bừng tỉnh dậy, hôm sau gặp nhau đều nói chuyện giấc mộng và lấy làm
kinh hãi. Đêm hôm đó mọi người ra miếu tại bờ sông ở Hoàng Lâu nghênh rước
long bài về miếu Lương Quy thờ phụng, từ đó hai vị Đại Vương rất linh ứng.
Đến cuối nhà Trần, nhà Hồ cướp ngôi, người Minh cướp nước ta, Thái tổ
Cao Hoàng Đế, dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, sau bình định được quân Minh.
Khi đi đánh giặc qua đất Lương Quy, nhìn thấy trên cây cổ thụ có vệt sáng đỏ như
dải lụa hồng từ trên trời sa xuống quấn quanh thân cây. Đế lấy làm lạ, đến xem
thì vết sáng bay vào trong miếu rồi mất. Đế cho là điềm lành liền vào miếu cầu xin
thần phù hộ giúp nước. Đến đêm, Đế nằm ngủ mộng thấy một viên thần tướng
giáp mũ chỉnh tề và một vị nữ quan diện mạo tươi đẹp, áo xiêm rực rỡ tâu rằng:
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 178