Page 218 - Di san van hoa An Duong
P. 218
truyền thống, gồm tòa đại bái ba gian, hai chái và hai gian hậu cung. Đình nhìn
về hướng Đông Nam, trước sân đình có hồ nước hình bán nguyệt, theo phong
thủy là nơi tích phúc của dân làng. Khuôn viên đình có cây đa và cây gạo cổ thụ
với tuổi đời trên ba trăm năm, được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”
năm 2018.
Kiến trúc toà tiền tế có hệ mái kiểu “chéo đao tầu góc” lợp ngói ta, các đầu
đao cong vút góp phần làm cho kiến trúc toà công trình nhìn thanh thoát, bay
bổng. Trên mái đình được trang trí đắp vẽ các đề tài linh vật truyền thống như:
lưỡng long chầu nguyệt, rồng chầu, phượng vũ, nghê cưỡi mây.
Toà tiền tế có hệ khung chịu lực gồm bốn bộ vì, vì thiết kế bốn hàng chân
cột. Bộ vì, kết cấu vì nóc kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu thức
“chồng rường”, phía dưới có bẩy hiên. Hoa văn trang trí đắp vẽ trên các cấu kiện
kiến trúc chủ yếu là đề tài lá lật và đấu sen.
Toà hậu cung xây theo kiểu tường hồi bít đốc, hệ thống cột quân của khung
chịu lực được để trực tiếp vào tường bao che của đình.
CHÙA CốNG Mỹ
Chùa Cống Mỹ (Linh Quang - 靈光), tên Nôm là chùa Bầu. Chùa có nguồn gốc
xây dựng từ rất xa xưa, muộn nhất vào thời Lê - Mạc, thế kỷ XVI. Khoảng đầu thế kỷ
XX, chùa lúc đó không có sư trụ trì, bị hỏng nát, dân làng Cống Mỹ mua gỗ tập kết
để chuẩn bị sửa lại chùa. Nhưng do thời gian để quá lâu người dân Cống Mỹ trồng
cây bầu trùm lên đống gỗ, bầu rất xanh tốt, nên người dân gọi là chùa Bầu.
Chùa Cống Mỹ có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh truyền thống. Kiến trúc
chùa gồm có toà tiền điện 5 gian và thượng điện 3 gian. Chùa có hướng nhìn về
phía Đông Nam. Kiến trúc toà tiền điện được thiết kế kiểu tường hồi bít đốc, mái
lợp ngói cổ, chính giữa bờ nóc đắp biểu tượng bình nước cam lộ, một biểu tượng
mang ý nghĩa triết lý thường gặp của nhà Phật. Bộ khung chịu lực có các vì nóc,
vì nách. Vì nóc được thiết kế kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách liên kết
kiểu thức “kẻ liền bẩy”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là mô típ là
lá lật và đấu chạm hoa sen.
Toà thượng điện hai gian. Kết cấu hệ khung chịu lực vì nóc mái, vì nách và
trang trí hoa văn tương đồng với kiến trúc toà tiền điện.
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 218