Page 871 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 871
Phaàn VI: Löôïc chí caùc xaõ, phöôøng 871
Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhu cầu của khách
hàng đối với các sản phẩm có nhiều thay đổi, nghề truyền thống tại địa phương đứng
trước những yêu cầu đổi mới để tồn tại và phát triển. Dựa trên những thế mạnh sẵn
có, Nam Hòa đẩy mạnh kết hợp khôi phục và phát triển làng nghề gắn với phát triển
du lịch, “xuất khẩu tại chỗ”. Triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”
(OCOP), Ủy ban nhân dân phường tích cực hỗ trợ xây dựng sản phẩm thuyền nan của
hộ gia đình ông Nguyễn Anh Sáu trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, khuyến khích
các hộ gia đình bảo lưu và phát triển làng nghề. Đến năm 2023, giá trị sản xuất ngành
công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt 301,3 tỷ đồng.
Thương mại - dịch vụ
Vị trí địa lý và mạng lưới giao thông vận tải đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nam Hòa
phát triển ngành thương mại - dịch vụ với nhiều loại hình đa dạng như: cửa hàng, dịch
vụ ăn uống, nhà nghỉ... Phát huy lợi thế của địa phương có các làng nghề truyền thống
và nhiều di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là các điểm thuộc Khu di tích lịch sử chiến
thắng Bạch Đằng, Nam Hòa đẩy mạnh tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, khai thác
các tuyến du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương
đến du khách trong và ngoài nước. Năm 2023, toàn phường có 345 cửa hàng tạp hóa,
cơ sở dịch vụ và hộ kinh doanh tại các chợ; giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ
đạt 244 tỷ đồng.
6. Văn hóa - xã hội
Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chính là bệ đỡ để nhân dân Nam Hòa vững
vàng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Từ đời này qua đời khác, các thế hệ cư
dân không ngừng bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa: đình,
đền, chùa, miếu, nhà thờ họ. Sau bao biến thiên của thời gian, đến nay, trên địa bàn
toàn phường còn 2 đình, 2 chùa và gần 90 đền miếu, nhà thờ họ. Trong đó có 3 di tích
thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng: đền Trung Cốc, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi
cọc Đồng Má Ngựa và 1 di tích quốc gia là đình Hưng Học. Gắn liền với các công trình
tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn là các lễ hội truyền thống: lễ hội Tiên Công (mùng 5 -
7 tháng Giêng), lễ hội Bạch Đằng (mùng 6 - 9 tháng Ba âm lịch) và lễ hội Đại Kỳ Phúc
tại các đình. Các lễ hội truyền thống vừa mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng, suy tôn các
bậc tiền nhân, vừa có ý nghĩa hướng tới tương lai, mang giá trị nhắc nhở con cháu tiếp
tục bảo tồn truyền thống quê hương, đất nước.
Văn hóa Nam Hòa mang đậm dấu ấn văn hóa cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, các
tuần tiết, nghi lễ trong các dịp tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, tết Thanh minh, rằm
tháng 7... đều được người dân tổ chức theo khuôn mẫu tại quê hương cũ các bậc Tiên
Công. Nhân dân địa phương thờ cúng tổ tiên trong gia đình và nhà thờ dòng họ để thể
hiện lòng thành kính, biết ơn với thế hệ cha ông đi trước, nhắc nhở con cháu luôn hướng
về cội nguồn. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhân dân địa phương còn thờ Thành
hoàng làng tại đình thể hiện lòng tri ân với những bậc tiền nhân, những bậc anh hùng
có công với dân, với nước.