Page 14 - kyuc_ngay_ay
P. 14
Tản mạn Ký ức ngày ấy
nhớ lại… “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” mà. Tuổi học trò luôn hồn nhiên,
tinh nghịch, quậy phá những cũng rất dễ thương, đó là những kỷ niệm trong sáng
khó quên nhất của một thời học sinh.
Với hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, thiếu trước hụt sau nên buổi sáng tôi
thường nhịn đói để đi học, năm khi mười họa được người lớn cho tiền mới mua
được củ khoai lang, củ sắn để lót dạ buổi sáng; nhất là dịp tết có tiền lì xì thì để
dành một phần mua bút, mực còn lại để dành ăn sáng và cũng không quên trích
một phần mua bi để bắn, mua tấm giấy bóng để chơi. Lúc ấy đâu dám mua bánh
mì thịt để ăn (một ổ 5 đ), nếu có tiền cũng chỉ mua bánh mì không ( 3 đ một ổ) và
xin chan thêm một chút nước “bánh mì chan nước” là ngon lắm rồi; đôi khi bà
Ba bán bánh mì gần tiệm sách Hoành Sơn thấy thương tình, chan nước sốt có một
ít dăm thịt vào bánh mì, vậy là có một ổ bánh mì thật ngon, thật sung sướng và
thầm cám ơn bà...
Các môn học ở bậc tiểu học ngoài môn tập đọc, học thuộc lòng, công dân giáo
dục… tôi chỉ nhớ mang máng như sau: Học xong lớp Năm là phải đọc thông viết
thạo, nắm vững hai phép toán cộng trừ; lớp Tư, lớp Ba thì bắt đầu viết chính tả
và tập làm văn, thuộc bảng cửu chương để làm các bài toán nhân, toán chia; đến
lớp Nhì, lớp Nhất làm văn tả người, tả cảnh, tả vật và có thêm phần toán đố. Biết
là vậy, nhưng thú thật trong suốt thời gian học tiểu học ở trường Bồ Đề, tôi là một
trong những học sinh đứng tốp 5 kể từ dưới đếm lên. Nhớ lại, ở lớp Năm khi dùng
bút chì để viết chữ của tôi đẹp bao nhiêu thì trái lại bắt đầu lên lớp Tư viết bằng
bút mực, chữ tôi viết thật xấu như “mèo quào” lại lem luốt rất khó coi; toán cộng
trừ có khi đúng khi sai, khổ tâm là toán nhân, vất vả nhất là toán chia; lên lớp
Nhất còn thêm phần toán đố, nào là đường dài, vận tốc chuyển động, đi trước, đi
sau… còn thêm nữa bài toán hai vòi nước chảy, “vừa mèo vừa chó bó lại cho
tròn…” dùng giả sử này, phép khử nọ… ôi thôi thật là mù tịt. Với môn tập làm
văn tôi cũng hiểu rằng gồm ba phần “mở đầu, thân bài và kết luận” nhưng thật tế
cũng chẳng biết viết gì, tả cái gì cho ra hồn cả vì vậy các bài văn của tôi lúc nào
cũng dưới điểm trung bình. Nhớ một lần ở lớp Nhất, lúc ấy tôi học với thầy
Chiến, thầy cho về nhà làm bài văn tả con bồ câu ở nhà em. Đã một ngày suy nghĩ
rồi loay hoay viết mà cũng chưa được cái phần mở đầu. May quá! tôi hỏi và tìm
ra thấy một bài văn tả con bồ câu được 8 điểm của cháu Loan (gọi tôi bằng cậu)
học hơn tôi một lớp, nó học lớp Nhất năm trước với thầy Kỳ. Thế rồi tôi đem bài
văn ấy sửa lại vài câu từ cho hợp lý để không trùng khớp với bài văn cũ, hy vọng
sẽ được điểm cao, cuối cùng cũng chỉ nhận được điểm trung bình. Từ đó tôi mới
hiểu rằng chấm điểm môn văn không giống như chấm điểm môn toán…
Trần Tống-CHS Bồ Đề Đà Nẵng Trang 12