Page 68 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 68
LÊ TRÚC KHANH 60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM
Điều đó, chứng tỏ rằng có một thời, Mỹ Tho chỉ “thua chị kém em”
là so với Sài Gòn, chớ Cần Thơ chưa xứng mặt “anh tài”! Thế mà những
năm 60, chưa bao giờ tôi thấy nhà lồng chợ Mỹ Tho mở cửa quá bốn giờ
chiều. Vườn hoa Lạc Hồng cũng là nơi khách nhàn du lui tới, phía bên
kia sông là cù lao Rồng xanh ngắt những vườn cây, nhưng ánh đèn đêm
vàng vọt đã giục khách nhanh chân về nhà vì phía cuối trời xa, những
ánh hỏa châu long lanh trên sóng nước Tiền Giang như nhắc nhở mọi
người quê hương còn chìm trong lửa đạn.
Với suy nghĩ đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi chợ Cần Thơ hầu như
buôn bán suốt đêm và bến Ninh Kiều lúc nào cũng rộn ràng xe ngựa.
Hình như cánh tay bạo lực của chiến tranh không chạm tới nơi nầy?
Cũng không cần phải đi tìm trong tư liệu về nguồn gốc tên gọi Bến Ninh
Kiều. Đó là cái tên bắt nguồn từ giai thoại về Chúa Nguyễn Ánh trong
một lần thả thuyền trên sông Bassac vì mến tiếng đàn câu hát mà đổi lại
là Cầm thi giang. Đó là những năm sau 1955, chính quyền miền Nam đổi
tên bến Hàng Dương thành bến Ninh Kiều bởi con đường cặp theo dòng
sông lúc bấy giờ có tên là đường Lê Lợi? Những điều nầy với tôi không có
gì quan trọng. Cảm nhận trước hết của tôi về bến Ninh Kiều là nét đẹp
trong sáng hồn nhiên của cô gái miệt vườn, nhưng đã thay đổi y phục
người phố chợ cộng thêm một chút trang điểm nhẹ nhàng, thành ra vừa
dễ gần mà lại đậm đà hương sắc làm say đắm lòng người.
Khi đất trời chuyển mùa, tháng Chạp trở về mang theo chút gió từ
phương Bắc. Ấn tượng rõ nhất của mùa Đông là buổi sáng ngợp mắt vì
những chiếc áo ấm đủ màu xuôi ngược trên đường. Có lẽ những người
cùng thế hệ tôi đều có chung suy nghĩ: hình như thời đó, mùa đông lạnh
hơn bây giờ rất nhiều? Trong những ngày nầy, bến Ninh Kiều càng rực rỡ
hơn với ngàn hoa khoe sắc. Từ Ngã ba cột đèn ba ngọn cho đến sát khu
vực Hải Quân (nay là khu nhà hàng Ninh Kiều), hàng trăm loại hoa kiểng
từ khắp nơi được thương lái đưa về bày bán. Hàng đoàn ghe thương hồ
nối đuôi nhau, cắm sào phía dưới bờ sông. Phía bên kia, xóm Chài vốn dĩ
ngày thường trầm mặc, dường như cũng rộn rã hẳn lên. Từ các loại cúc
đại đóa, cúc mâm xôi, cho đến vạn thọ, hoa xác pháo, trạng nguyên, ngọc
nữ… và bao nhiêu loại hoa vừa lạ vừa quen mà tôi không làm sao nhớ
hết. Cứ mỗi năm, những nghệ nhân dân gian lại sáng tạo thêm nhiều tên
gọi mới, như một mong ước: sống lâu, sống giàu sang, hạnh phúc... và
các loại hoa mang tên như thế cũng rất được người Cần Thơ đón nhận
nhiệt tình.
71