Page 29 - TAI LIEU GIAO DUC DIA PHUONG LOP 7
P. 29
Để nồi canh chín đều, không bị vón cục thì phải chú ý điều chỉnh lửa vừa phải và liên tục
khuấy đều tay khi đổ bột gạo, đồng thời nêm gia vị. Canh có vị ngậy của thịt, cá, vị ngọt
của bột gạo, đăng đắng của đọt mây, sự thơm bùi của lá bép hoà quyện vào nhau. Canh
bồi dễ tiêu hoá, là loại canh bổ dưỡng, giúp phục hồi sức khoẻ.
Người Mnông còn có các món ăn truyền thống khác như: canh thụt, canh môn rừng,
canh bột ngô, đọt mây luộc,...
Hình 5.6. Canh thụt
5. Thức uống
Rượu cần là đồ uống phổ biến của người Mnông. Rượu cần được làm từ một thứ rượu
gạo, ủ trong các vò sành, hút bằng cần trúc; được dùng phổ biến trong các dịp cúng lễ
hoặc thết đãi khách.
Bên cạnh ẩm thực của người Êđê và Mnông còn có ẩm thực của các dân tộc Jrai, Xơ
Đăng, Bru - Vân Kiều, Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao,... Ẩm thực của các dân tộc này cũng
mang tính chất rất tự nhiên, đậm đà bản sắc văn hoá núi rừng. Chính điều này đã làm cho
ẩm thực ở Đắk Lắk càng thêm phong phú và đa dạng.
III. Ý NGHĨA CỦA ẨM THỰC
Ẩm thực của một số dân tộc ở Đắk Lắk với các món ăn truyền thống không chỉ đáp
ứng nhu cầu thưởng thức, no bụng mà còn là một trong những nét văn hoá đặc biệt hấp
dẫn du khách, góp phần phát triển lĩnh vực du lịch của địa phương. Những món ăn, đồ
uống cho biết bản sắc văn hoá riêng của từng tộc người, lối sống gần gũi với thiên nhiên,
tính gắn kết cộng đồng. Các món ăn còn thể hiện khát vọng làm chủ tự nhiên, sự hài hoà
giữa con người với thiên nhiên, sự tài tình trong lựa chọn nguyên liệu và tinh tế trong chế
biến món ăn. Các món ăn truyền thống của các dân tộc ở Đắk Lắk góp phần làm phong
phú văn hoá ẩm thực Việt Nam.
(Theo Địa chí Đắk Lắk, NXB Khoa học xã hội, 2015)
- Trình bày đặc trưng ẩm thực của người Êđê và người Mnông.
- Mô tả một món ăn truyền thống của người Êđê và người Mnông.
- Nêu ý nghĩa của ẩm thực trong đời sống của người dân ở Đắk Lắk.
29