Page 120 - Di san van hoa An Duong
P. 120
phát triển, nên đã sinh ra hai vị danh tướng Vũ Giao, Vũ Sào, sau làm Thành
hoàng làng. Tên Lưu Khê được đổi thành Vĩnh Khê trước năm 1691, bởi trong văn
bia “Tu Hưng Khánh quán bi”, dựng niên hiệu Chính Hòa 12 (1691), hiện bảo tồn
tại địa phương, đã ghi địa danh Vĩnh Khê.
Đầu thời Nguyễn, triều Minh Mạng (1820-1840), thành lập đơn vị hành
chính cấp tổng. Năm 1837, thành lập phủ Kiến Thụy, Vĩnh Khê thuộc tổng Văn
Cú, huyện An Dương, phủ Kiến Thụy. Năm 1898, chính quyền đô hộ thành lập
tỉnh Hải Phòng, năm 1902 đổi thành tỉnh Phù Liễn (tỉnh lỵ chuyển về Phù
Liễn), năm 1906 đổi là tỉnh Kiến An, huyện An Dương thuộc các tỉnh trên. Làng
Vĩnh Khê trước đây có một đình, hai đền và một chùa (Phúc Quang - 福光).
Chùa ít nhất có từ thời Trần, thế kỷ XIII. Nay địa phương chỉ còn lại đình và
chùa. Sau nhiều lần chia tách đơn vị hành chính, năm 1987 xã An Đồng thành
lập trên cơ sở hợp nhất hai xã Đồng Tiến và Đồng Tâm, thôn Vĩnh Khê thuộc
xã An Đồng.
Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và xây dựng đất nước,
Vĩnh Khê có 02 gia đình được tặng Bằng có công với nước, 01 lão thành cách
mạng, 01 Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, 49 liệt sĩ, 19 thương, bệnh
binh. Vĩnh Khê có vị lão thành cách mạng Vũ Văn Tấn (1913 - 2003), ông gia
nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rất sớm, từ năm 1926. Ông đã giác
ngộ người thân trong gia đình để thành lập tổ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh
niên sớm của Hải Phòng và là đầu tiên của huyện An Dương, sau tổ phát triển
ra nhiều nơi. Ông bị giặc Pháp kết án tử hình vắng mặt và một lần bị kết án khổ
sai chung thân vì hoạt động cách mạng. Năm 1936, ông được ra tù, sau đó ông
làm bồi bàn cho hãng hàng không Pháp nên được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt
động quốc tế ở Pháp. Năm 1946, sau khi gặp Bác Hồ, ông xin về Việt Nam công
tác, Bác khuyên ông ở lại Pháp hoạt động sẽ có lợi cho đất nước hơn. Qua những
năm hoạt động quốc tế với nhiều thành tích lớn, năm 1955, ông được lệnh về
nước và làm Trưởng phòng thuộc Cục điện ảnh, góp phần xây dựng nền điện
ảnh nước nhà khi còn sơ khai. Trong quá trình hoạt động cách mạng lúc công
khai, lúc bí mật, trong nước, ngoài nước, ông Vũ Văn Tấn luôn nỗ lực công tác,
thể hiện lòng yêu nước, đức hy sinh. Cả nhà ông, anh, em vợ, chồng và các con
của ông bà đều nối nghiệp, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của gia
đình (Theo sách Nhân vật lịch sử Hải Phòng, tập III).
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 120