Page 199 - Di san van hoa An Duong
P. 199
Đầu Đế), tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Lực
lượng của Mai Kỳ Sơn còn chiếm giữ được 2 vùng Đông và Nam của phủ Tống
Bình (Hà Nội ngày nay) được vài năm. Đến cuối năm 727, sau hơn 2 tháng đánh
dẹp, nhà Đường mới phá vỡ được căn cứ cố thủ của Mai Kỳ Sơn và Mai Thị Cầu ở
Nhu Điều và Điều Yêu (Quốc Tuấn ngày nay), Mai Kỳ Sơn đã anh dũng hy sinh,
Mai Thị Cầu tuẫn tiết để không bị rơi vào tay giặc. Ngày nay, ở trên bờ một lạch
thoát triều cũ đổ ra sông Lạch Tray của xã Quốc Tuấn còn hai ngôi miếu nhỏ (dân
gọi là miếu Một và miếu Hai), tương truyền là nơi an táng hai vị.
Tư liệu thần tích về Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn cho biết, Mai Thúc Loan có
người bạn thân là Phạm Ngọc Giao, người làng Kiều Yêu Thượng. Do có thâm giao
nên con gái của Mai Thúc Loan là Mai Thị Cầu đã kết hôn với con trai của Phạm
Ngọc Giao là Phạm Ngọc Quỳnh. Còn Mai Kỳ Sơn thì lấy Hoàng Thị Đang, người
làng Nhu Kiều cùng thuộc xã Quốc Tuấn ngày nay. Đây chính là căn nguyên lịch
sử khiến cho cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan vào thế kỷ VIII có liên quan đến
vùng đất Quốc Tuấn ngày nay. Vì vậy, sau khi cả hai chị em hy sinh vì nước, dân
làng đã lập đình, miếu để phụng thờ và suy tôn làm Thành hoàng làng.
Hiện nay, tại đình Văn Xá còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các vua nhà
Nguyễn ban cho địa phương được phụng thờ hai ngài.
Đình Văn Xá được xây dựng theo hướng Tây Nam, trước mặt là sông Lạch
Tray uốn khúc, bên kia là ngọn núi Phướn thuộc xã Trường Sơn, huyện An Lão.
Đình xây tường hồi bằng gạch vồ lớn, mạch vữa trát nổi hình vỏ măng trông cổ
kính, trầm mặc. Bộ mái đình được lợp hoàn toàn bằng loại ngói ta hai lớp, hai
đầu đao cong đắp mô típ rồng chầu phượng vũ, bờ nóc đắp biểu tượng lưỡng
long chầu nguyệt. Đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bờ nóc.
Đình có kiến trúc theo kiểu chữ công truyền thống với 5 gian tiền tế, 3 gian
ống muống (nhà cầu) và 3 gian hậu cung.
Toà tiền đường có kết cấu khung chịu lực từ các bộ vì tạo thành 3 gian 2 chái.
Liên kết kiến trúc là các vì nóc, vì nách. Vì nóc được thiết kế kiểu thuận chồng
rường. Trên các cấu kiện của vì nóc được trang trí dầy đặc, tỉ mỉ các hoạ tiết hoa
văn như: Hoa lá cách điệu, mây cụm, biểu tượng hổ phù. Vì nách có kết cấu kiểu
chồng rường, hoa văn trang trí rồng mây, long mã, quy sen, cá chép hoá rồng, cua,
nghê dạng nghê gảy đàn.
199 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG