Page 196 - Di san van hoa An Duong
P. 196
- Thống đá chuyên để dùng trong các lễ mộc dục thánh tượng (tắm tượng).
Thống có kích thước cao 60 cm, đường kính miệng 70 cm, đường kính đáy 65 cm,
dầy 12 cm. Thống cấu tạo như một cối đá lớn, có đáy, lòng rỗng, miệng loe, có thể
đựng 60 lít nước. Trên thân thống có khắc dòng lạc khoản: Ất Tỵ niên tạo, qua
cách tạo tác, văn tự khắc trên thống, so sánh đối chiếu với thời kỳ thường làm
thống ở các địa phương của thành phố Hải Phòng thời xưa, có thể xác định thống
đá được làm vào năm 1895.
Trước đây tại đình Văn Cú hằng năm theo âm lịch, người dân địa phương
thường tổ chức một số tiết lệ như ngày thánh đản, thánh hóa, ngày khánh hạ...
Nhưng lễ hội lớn nhất trong năm được dân làng tổ chức vào 11, 12 tháng 2. Lễ hội
có lễ rước thánh từ hai miếu Đống Đa, Đống Trúc về đình để mở hội, tế lễ. Lễ hội
đình Văn Cú thường có mặt các đoàn kính lễ của các xã trong cùng tổng như: Minh
Kha, Kiến Phong, Văn Phong... đến liên kết và dự hội. Phẩm lễ dùng trong lễ hội do
các cai đám đảm nhiệm. Cai đám được cấy ruộng tự điền để lấy hoa lợi sắm phẩm
lễ. Theo tập tục của dân làng, phải sau ngày 15 tháng 11 âm lịch, tức là sau dịp
tưởng niệm lễ thánh hóa của Thành hoàng, người dân địa phương mới được thực
hiện việc cải táng cho người mất. Theo tương truyền xưa kia, vào các dịp lễ lớn ở đền
vua Đinh tại Ninh Bình, đại diện dân làng Văn Cú thường gánh lễ đi vào Ninh Bình
để dâng phẩm lễ lên vua Đinh Tiên Hoàng và trẩy hội.
Lễ hội làng Văn Cú ngoài phần tế lễ dâng hương, còn có những trò chơi thi
đấu dân gian như: đấu vật, đu tiên, bắt vịt, hát ca trù, hát chèo sân đình... Nhưng
đặc biệt, bao giờ lễ hội làng cũng có trò chơi chọi gà. Theo truyền thống của dân
làng đây là trò chơi để tưởng nhớ công ơn của hai vị Thành hoàng làng. Trong đó
có Ngài Đỗ Minh là vị thánh được ví như thần kê, sinh thời ông rất giỏi nuôi
dưỡng và luyện gà chọi, gà của ông đã đánh thắng được gà sứ Tầu như trong thần
tích nêu ở trên. (Về lễ hội đấu gà chọi của đình làng Văn Cú là một di sản văn hóa
phi vật thể rất độc đáo, đặc sắc sẽ được viết một bài riêng trong sách).
Đình Văn Cú một công trình di tích tưởng niệm hai vị danh tướng trung
quân của triều Đinh, thế kỷ X. Công trình di tích cũng là nơi ghi dấu ấn lịch sử của
quê hương Văn Cú, vùng đất cổ được hình thành trên một ngàn năm. Với những
giá trị lịch sử văn hóa, những di sản văn hóa vật thể đặc sắc đang được người dân
địa phương bảo tồn, gìn giữ, chắc chắn đình Văn Cú sẽ là điểm đến hấp dẫn của
người dân trong và ngoài thành phố Hải Phòng.
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 196