Page 195 - Di san van hoa An Duong
P. 195
Phiên âm: Nguyên khí chung lưu, Đinh lưỡng tướng
Văn tinh vĩnh ký, Việt thiên thu
Dịch nghĩa: Tích tụ khí thiêng, triều Đinh sinh hai tướng
Văn chương còn mãi, nước Việt vẫn lưu danh.
Trên chắn phong của hai cửa nách cung cấm tạo khung chữ nhật, trong
khung ô có hai chữ Hán lớn, phía bên tả: “Như tại” (如在), bên hữu: “Chi hiển”
(之顯). Bốn chữ trên có nghĩa: cung cấm nơi đây phụng thờ các bậc thánh linh ứng.
Đình Văn Cú trải qua thăng trầm của lịch sử, binh lửa chiến tranh nhưng
vẫn còn bảo tồn được một số cổ vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, tiêu biểu là:
- Long ngai, bài vị, gồm 3 bộ. Bài vị đặt trong long ngai, được bài trí trong
cung cấm. Long ngai, bài vị tạo tác bằng gỗ tốt, có hai bộ tạo tác tương tự nhau,
một bộ cao, to hơn và được chạm khắc cầu kỳ tinh xảo hơn. Ba bộ long ngai, bài
vị được chế tác và được chạm khắc tinh xảo với các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá
thiêng khá đẹp. Qua thần hiệu ghi trong bài vị, hai bộ tương tự như nhau là thờ
Ngài Đỗ Quang và Đỗ Minh, bộ lớn hơn thờ vị thần Thiên quan. Long ngai, bài vị
có niên đại tạo tác thế kỷ XIX.
- Đại tự, treo tại tòa ống muống, đại tự làm bằng gỗ tốt, nền sơn đỏ chạm nổi
4 chữ Hán lớn sơn mầu vàng: “Hà nhạc nhật tinh” (河嶽日星), có nghĩa: Công đức
của các vị thánh to lớn như núi sông, sáng tỏ như mặt trời, như các vì sao. Dòng
thượng khoản trên đại tự ghi Tự Đức, Kỷ Mão, xuân, tức là đại tự được cung tiến
vào đình mùa xuân năm Kỷ Mão, niên hiệu Tự Đức (1879).
- Đại tự, treo tại nhà ống muống làm bằng gỗ, trang trí diềm xung quanh là
dải hoa văn hoa dây chữ triện lá giắt. Đại tự nền đỏ chạm nổi bốn chữ Hán lớn,
sơn mầu vàng: “Hoán nhiên văn vật” (煥然文物), nghĩa là các vị Thành hoàng làm
cho mọi vật tốt đẹp, rực rỡ lên. Dòng thượng khoản trên đại tự ghi: Tự Đức, tam
thập niên, nghĩa là đại tự được tạo tác, cúng tiến vào niên hiệu Tự Đức, năm thứ
30 (1877).
- Bia đá, kiểu bia dẹt, bằng đá nguyên khối, trán bia hình bán nguyệt, dưới
trán bia khắc nổi bốn chữ: “Bản tổng bi ký” (本緫碑記), nội dung bia khắc tên các vị
tiên Nho, tiên hiền của tổng Văn Cú tại văn từ của tổng. Bia đá chúng tỏ tổng Văn
Cú trước đây có văn từ được đặt tại xã Văn Cú. Bia có lạc khoản bị mờ, nhưng qua
hoa văn và chữ khắc trên bia, có thể xác định bia được dựng vào đầu thế kỷ XX.
195 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG