Page 26 - Di san van hoa An Duong
P. 26
thể như một đài hoa nở rộng trên bầu trời. Bên ngoài tay ngai còn xây thêm
phần tường kiểu cánh gà khá rộng, cánh gà có mái che. Trong cánh gà tạo
hình khung vuông lớn, trong khung ô đắp, vẽ trang trí đề tài tứ linh: long, lân,
quy, phượng.
Tòa đại bái bộ khung chịu lực làm bằng bê tông cốt sắt, kết cấu gồm bốn
bộ vì, vì bốn hàng chân cột, nhưng hàng cột quân gần như nằm trong tường
bao che, vì nóc cấu trúc chồng rường con nhị, vì nách thuận chồng hai con.
Trên các cấu kiện kiến trúc đắp trang trí mang tính điểm xuyết đề tài lá guột
mềm mại, đấu kê con thuận đắp nổi hoa sen cách điệu. Tòa hậu cung gồm ba
gian, khung chịu lực kết cấu ba bộ vì, cấu tạo tương tự như bộ vì tòa đại bái.
Cung cấm ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống cửa cung. Cửa cấu tạo
thượng song, hạ bản. Cửa chính của cung ít khi mở. Người ra vào cung cấm chủ
yếu bằng cửa nách hai bên cửa chính, cửa nách ngưỡng cao, có một cánh đủ
để cho một người đi vào. Cách cấu tạo cửa như trên để gìn giữ thâm cung nơi
thánh ngự, nguồn thiêng của di tích.
Như đã nói ở trên, năm 1949 đình Nam phải tiêu thổ kháng chiến nên đồ
thờ tự, tế khí đã bị thất lạc, mất mát. Tuy nhiên hiện nay đình vẫn còn bảo tồn
được một số cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa sau đây:
- Kiệu bát cống và kiệu thất cống, hai bộ kiệu làm bằng gỗ vàng tâm, loại
gỗ nhẹ để khiêng trong lễ rước thánh được thuận tiện, dễ dàng. Kiệu bát cống
và thất cống đều do tám người khiêng rước. Kiệu bát cống là kiệu biểu tượng
để rước Đức thánh ông, kiệu thất cống biểu tượng rước Đức thánh bà (Đức
thánh bà ở đây là thân mẫu của Nguyễn Hồng). Kiệu bát cống gồm đủ bộ có cả
phần long ngai hậu bành ở trên. Kiệu cấu tạo 8 thanh rồng, các thanh rồng
được lắp ghép chồng lên nhau qua bốn chốt sắt và bánh chè. Phần long ngai
cũng được lắp ghép với hệ thống thanh rồng qua những mộng thẳng. Cách cấu
tạo này giúp cho việc tháo lắp thuận tiện và khi rước thánh, kiệu có thể chuyển
hướng dễ dàng. Các thanh rồng cũng như hậu bành được chạm khắc đề tài
rồng, mây, tứ linh, hoa lá thiêng rất cầu kỳ, tinh xảo.
Kiệu thất cống cấu tạo gồm bảy thanh rồng, bởi vậy nên được gọi là thất
cống (thất theo Nho tự tức là số 7) và hậu bành ở trên kiệu. Về mặt lắp ghép kết
cấu các thanh rồng với nhau tương tự như kiệu bát cống, nhưng có khác là phía
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 26