Page 59 - Di san van hoa An Duong
P. 59
có tính cách hùng dũng, phụ trách tuần phòng kiểm tra các đồn trại. Người con út
là Quý Nghị thông thạo chữ nghĩa, được giao giữ sổ sách trong quân. Bốn ông lớn
oai danh, quân lệnh nghiêm minh nên quân lính không dám gọi tên tục mà chỉ gọi
tên đồn trại, ông cả là Cây Đa, ông hai là Cây Vối, ông ba là Cống Mang, ông tư là
Láng Điển. Hai ông 5 và 6 quan lính gọi là Ông Hống, Ông Nghị.
Mỗi người giữ một phương cự nhau với Quý Ly, quân của Quý Ly khi giao
chiến thường bị thua, không dám tiến đánh, đối địch. Lúc bấy giờ bảy quận ở Hải
Đông thường bị giặc cướp tàn phá và mất mùa. Ông Đại Phạm cùng các con chiêu
mộ tám xã, nhân dân đều được hưởng an ninh, trật tự, mọi nơi đều lạc nghiệp.
Thời đó có người con thứ của vua Nghệ Tông là Giản Định Vương Trần Quỹ (1407-
1409), dấy quân rửa hận, khôi phục triều Trần. Đại Phạm bảo với các con rằng:
Vua Giản Định đóng quân ở Nghệ An, các con nên dẫn đại quân vào đó bái yết
cùng mưu việc lớn, duy em Nghị ở tuổi thiếu niên chưa quen việc chinh chiến, ở
lại cùng ta giữ đồn trại đề phòng việc bất trắc.
Năm người con vâng lời cha, xin mang theo một ngàn quân tinh nhuệ lên
đường tiến về Nghệ An. Sau khi gia nhập đội quân trung nghĩa của nhà Hậu Trần
các ông cùng với các tướng Đặng Tất, Triệu Cơ chống lại quân nhà Minh xâm lược
nước ta. Đại Phạm cùng các con ông Bá Tùng, Trọng Bách, Trọng Minh, Trọng
Mẫn cùng đội quân miền Hoa Phong đã lập được nhiều công lớn. Trong một trận
thủy chiến, các ông Bá Tùng, Trọng Bách dũng cảm chiến đấu, giết được tướng
giặc là Trương Bá, Mã Thanh, một tướng giặc khác là Hoàng Trường cũng bị giết
trong đám loạn quân. Trận ấy Mộc Thạch từ trên cao quan sát thấy quân tan vỡ
vội vã ra lệnh thu quân. Quân khởi nghĩa thời Hậu Trần mà cha con ông Đại Phạm
tham gia đã có lúc giải phóng được khu vực từ Thanh Hóa trở vào và từ đó mở
nhiều cuộc tiến công ra phía Bắc, làm cho quân đội nhà Minh nhiều thiệt hại.
Nhưng dần về sau do năng lực hạn chế của bộ phận lãnh đạo nên cuộc khởi nghĩa
không phát triển thành trung tâm đoàn kết phong trào của cả nước và cuối cùng
bị thất bại.
Sau khi cuộc khởi nghĩa nhà Hậu Trần thất bại, 6 cha con ông Đại Phạm lần
lượt hy sinh anh dũng nơi chiến trường. Nhân dân địa phương rất thương cảm,
tôn kính và lập miếu thờ các ông ngay tại nơi đồn trại của các ông đóng khi xưa,
đồng thời theo tên gọi trước đây đề thần hiệu để phụng thờ. Vị thứ nhất là Đại
Phạm Vương, thờ ở ngôi chính giữa, dưới là thần vị Cây Đa, thần vị Cây Vối, thần
59 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG