Page 1028 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 1028
1028 Ñòa chí Quaûng Yeân
trên địa bàn ngày càng phát triển ổn định, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững,
đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Những thành
tựu đó là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục phấn
đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hướng tới xây dựng nông
thôn mới nâng cao.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng
Trước năm 1998, bên cạnh nông nghiệp, trong những lúc nông nhàn, nhân dân địa
phương còn làm nhiều nghề như thợ xây, làm mộc... Từ khi thành lập đến nay, xác định
phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm trong
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới, chính
quyền xã Tiền Phong tập trung tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ nhân dân phát triển
kinh tế. Dựa vào thế mạnh trên địa bàn xã có 2 khu công nghiệp là Khu công nghiệp
Nam Tiền Phong và Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, Đảng bộ, chính quyền xã khuyến
khích các hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất các ngành nghề, phát triển thêm một số
ngành nghề phụ trợ cho các doanh nghiệp như: sửa chữa tàu thuyền, mộc, cơ khí, nhôm
kính... Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng trên
địa bàn xã đạt 76,89 tỷ đồng.
Thương mại - dịch vụ
Bên cạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, ngành thương mại - dịch vụ
xã Tiền Phong cũng có bước phát triển về cả số lượng và chất lượng. Chính quyền địa
phương tích cực khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ mở rộng các loại hình buôn bán,
trao đổi. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Tiền Phong cũng ưu tiên nguồn
vốn hỗ trợ để xây dựng hệ thống chợ, cửa hàng tiện ích, khu vui chơi giải trí... góp phần
đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí. Những chính sách đó đã góp phần kích cầu
phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong
xã. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 26,82 tỷ đồng.
6. Văn hóa - xã hội
Mặc dù được thành lập muộn hơn so với các đơn vị khác, nhưng Tiền Phong vẫn lưu
giữ được những nét đẹp văn hóa lâu đời. Cư dân xã Tiền Phong chủ yếu là người dân
từ Liên Hòa, Liên Vị chuyển tới quai đê lấn biển xây dựng vùng kinh tế mới. Trải qua
bao thăng trầm, nhân dân Tiền Phong đã vun đắp nên nhiều truyền thống tốt đẹp. Họ
vừa là chủ nhân của mảnh đất này, vừa là chủ thể sáng tạo, lưu giữ, thực hành và trao
truyền những giá trị văn hóa.
Nhân dân tới đây khai hoang, lấn biển đã xây dựng miếu Cống Lái thờ thổ địa. Gắn
bó với đời sống nhân dân, miếu Cống Lái đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho
mỗi người trong hành trình vươn khơi bám biển, kiên cường xây dựng quê hương. Cùng
với đó, nhân dân thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình, tham gia lễ hội Tiên Công vùng
đảo Hà Nam để thể hiện lòng tôn kính biết ơn với thế hệ đi trước, nhắc nhớ con cháu
luôn hướng về cội nguồn.