Page 371 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 371
Phaàn IV: Kinh teá 371
Tiếp tục phát triển 4 nhóm cây trồng hàng hóa chủ lực của thị xã là: lúa chất lượng
cao, cây rau, cây hoa - cây cảnh và cây ăn quả. Trong đó, cây lúa được phát triển theo
hướng bền vững và nâng cao giá trị, chất lượng, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025,
diện tích gieo cấy bình quân hằng năm đạt 6.200 ha, sản lượng thóc duy trì từ 37.000 -
39.500 tấn, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa bình quân đạt 80%; phát triển và mở
rộng diện tích trồng rau theo quy trình sản xuất rau an toàn trong vụ đông xuân, duy trì
vùng sản xuất rau tập trung tại phường Cộng Hòa, Tiền An với tổng diện tích hằng năm
từ 1.800 - 2.000 ha; quy hoạch, xây dựng các địa phương có tiềm năng trở thành làng
nghề sản xuất hoa, cây cảnh tập trung gắn với phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng như
Tiền An, Quảng Yên, Cộng Hòa, Yên Giang, phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng
hoa đạt 75 ha; mở rộng diện tích cây ăn quả tập trung tại các xã, phường Tiền An, Cộng
Hòa, Đồng Mai, Minh Thành, nâng diện tích cây ăn quả đạt 946,4 ha và sản lượng đạt
57.000 tấn.
Đối với vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các sản phẩm đã có thương hiệu như
Rau an toàn Quảng Yên, Trứng gà Tân An... cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm,
đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá các sản phẩm là thế mạnh của thị xã đến các thị
trường khác trong và ngoài tỉnh.
Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kênh cấp nước tưới tiêu tại các khu vực sản xuất ở
Phong Cốc, Cẩm La, Liên Hòa, Liên Vị, Phong Hải, Hà An, Hiệp Hòa, Cộng Hòa, Tiền An và
những khu vực sản xuất bị chia cắt bởi các dự án tại Sông Khoai, Đông Mai, Minh Thành,
Hiệp Hòa; tiếp tục tu bổ, bảo vệ hệ thống đê, đặc biệt là đê Hà Bắc trước mùa mưa bão.
Trong chăn nuôi:
Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung, xa khu dân cư, thực hiện chuyển
đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp, hướng tới giảm tỷ trọng đàn trâu, bò, lợn, tăng tỷ trọng đàn
gia cầm và trứng gia cầm; hình thành các vùng chăn nuôi gắn với vùng an toàn dịch
bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung: Chăn nuôi lợn công nghiệp tại phường
Cộng Hòa, chăn nuôi gà tại phường Đông Mai, chăn nuôi gà đẻ trứng, gà thịt tại Tân An,
vật nuôi đặc sản tại Minh Thành và xây dựng khu giết mổ tập trung tại Tiền An. Phát
triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, hình thành
vùng chăn nuôi lớn gắn với chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2025,
đàn lợn duy trì ở mức 50.000 con, sản lượng thịt đạt 10.000 tấn. Đàn gà chăn nuôi theo
hướng an toàn sinh học, khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư sản
xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ
chăn nuôi, trang trại, phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia cầm đạt trên 1.500.000 con,
sản lượng thịt đạt 11.426 tấn. Đối với vật nuôi đặc sản, duy trì, phát triển đàn ong lấy
mật, phát triển một số vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình của địa phương
như chim bồ câu, thỏ, gà Tiên Yên... Năm 2025, sản lượng thịt đặc sản đạt 530 tấn.
Trong quá trình chăn nuôi, cần áp dụng các biện pháp xử lý môi trường như đệm lót
sinh học, ủ phân hữu cơ, xây dựng bể biogas; chủ động thực hiện các giải pháp phòng,
chống các loại dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm như tiêm vắc-xin, vệ sinh tiêu độc khử
trùng khu vực chăn nuôi, quản lý chặt chẽ công tác vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia
súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.