Page 372 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 372
372 Ñòa chí Quaûng Yeân
II. Lâm nghiệp
Nằm trong khu vực giáp ranh giữa vùng núi cánh cung Đông Triều - Móng Cái và
vùng đồng bằng cửa sông ven biển, Quảng Yên là vùng có địa hình khá đa dạng. Tài
nguyên rừng tại đây tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc và khu vực ven sông, ven
biển. Tuy diện tích không lớn nhưng rừng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh
tế của thị xã, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước hồ Yên Lập và chống xói mòn, bảo vệ đất.
Khai thác tài nguyên rừng, trồng rừng, cải tạo, tu bổ rừng và tổ chức sản xuất, chế
biến các sản phẩm từ rừng... là các hoạt động phong phú vừa có những thuận lợi vừa
có những khó khăn. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Yên đã và đang từng bước
khẳng định những cố gắng của mình để đưa lâm nghiệp phát triển bền vững, góp phần
thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của thị xã.
1. Lâm nghiệp trên địa bàn Quảng Yên trước năm 1954
Từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, các cư dân khu vực đảo Hà Nam đã có mối quan
hệ gắn bó mật thiết với rừng. Đến nay, mặc dù chưa có những nghiên cứu về bào tử phấn
hoa trong các di tích thời đại Kim khí ở khu vực vịnh Hạ Long và khu vực Đầu Rằm nên
chưa có nhiều bằng chứng về thảm thực vật ở khu vực , nhưng thông qua các di tích
(1)
và di vật thu được qua các đợt khảo sát, khai quật, ta có thể hình dung được phần nào
đời sống vật chất của cư dân tại đây trong quá khứ. Mỗi giai đoạn, cư dân lại có những
hoạt động kinh tế phù hợp với hoàn cảnh, môi trường sống, trong đó có môi trường rừng.
Ở giai đoạn sớm tương đương với văn hóa Phùng Nguyên, tại hố khai quật năm 2009
tại chân núi Đầu Rằm nhỏ, bên cạnh những nhuyễn thể nước mặn và nước lợ, các nhà
nghiên cứu còn phát hiện nhiều mảnh xương và răng động vật. Điều này cho thấy cư
dân tại đây có mối quan hệ gắn bó với tự nhiên, biết khai thác các nguồn lợi từ biển, từ
sông, từ núi, từ rừng... Tới giai đoạn muộn, các di vật xương động vật xuất hiện ở hầu
hết các lớp đất trong hố khai quật chứng tỏ người Đầu Rằm giai đoạn Đông Sơn vẫn duy trì
khai thác sản vật từ rừng, săn bắt thú như: hươu, nai, hoẵng... mang lại nguồn thức ăn
ổn định và phong phú.
Bước sang giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sông Bạch Đằng đã
ba lần chứng kiến quân và dân ta giành chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược
phương Bắc. Trong cả 3 trận chiến trên sông Bạch Đằng: chiến thắng Bạch Đằng năm
938 của Ngô Quyền, chiến thắng năm 981 của Lê Hoàn và đỉnh cao là chiến thắng quân
Nguyên - Mông năm 1288 của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đều có sự đóng góp
của hàng trăm, hàng nghìn cọc gỗ được khai thác từ những cánh rừng. Những cọc gỗ đã
trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm bằng đường thủy của dân tộc,
là minh chứng cho sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân Quảng Yên trong công
cuộc bảo vệ đất nước.
Từ kết quả nghiên cứu di tích hai cây lim Giếng Rừng (phường Quảng Yên) kết hợp
cùng nguồn tư liệu dân gian về các tên gọi cổ trên địa bàn thị xã như: Sông Rừng, bến đò
Rừng, chợ Rừng, làng Rừng... có thể thấy khu vực Quảng Yên từ thế kỷ XVIII về trước
(1) Nguyễn Thị Hảo: Địa điểm khảo cổ học Đầu Rằm trong các mối quan hệ với các di tích thời đại Kim
khí vùng Duyên hải Đông Bắc, Luận văn Thạc sĩ Khảo cổ học, Học viện Khoa học Xã hội, 2017, tr.10.