Page 63 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 63
Phaàn I: Ñòa lyù töï nhieân, ñòa lyù haønh chính vaø daân cö 63
Cần tiết kiệm và dự phòng chiến lược quỹ đất, sử dụng đất phải phù hợp với bản chất
tự nhiên của chúng. Giống như các loại tài nguyên khác, tài nguyên đất tại thị xã Quảng
Yên có hạn, vì vậy cần tiết kiệm, khai thác và sử dụng hợp lý.
Sử dụng đất cần quan tâm tới bảo tồn tự nhiên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên
tai. Trong quy hoạch sử dụng đất tại địa bàn cần dành ra một quỹ đất nhất định dùng vào
mục đích bảo tồn tự nhiên, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và duy trì đa dạng sinh học.
Bên cạnh sử dụng đất để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo ngành và theo trọng điểm,
việc phân vùng sử dụng đất theo không gian rất quan trọng trong việc quản lý và sử
dụng đất.
Cần có các định hướng, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thị xã hợp lý trong thời
gian tới. Theo quy hoạch sử dụng đất đai trong giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm diện tích,
cơ cấu các loại đất sau:
Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp năm 2021 là 18.041,86 ha, quy hoạch đến năm
2030 diện tích là 5.966,82 ha, giảm 12.075,04 ha so với năm 2021.
Hiện trạng sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2021 là 10.563,71 ha, quy hoạch tới
năm 2030 diện tích là 25.056,8 ha, tăng 14.493,09 ha so với năm 2021.
Hiện trạng sử dụng đất chưa sử dụng năm 2021 là 3.351,19 ha, quy hoạch đến năm
2030 diện tích là 933,16 ha, giảm 2.418,03 ha so với năm 2021.
VII. Sinh vật
1. Hệ thực vật
Hệ thực vật là tập hợp các loài thực vật sống trong một vùng hoặc cùng một giai đoạn
nhất định. Với đặc trưng khí hậu của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, lại chịu ảnh hưởng từ
biển nên Quảng Yên có hệ thực vật phong phú, gồm thực vật trên cạn và thực vật thủy sinh.
1.1. Thực vật trên cạn
Hệ thực vật trên cạn ở Quảng Yên tương đối đa dạng, gồm một số loài như: thực vật
mọc ven sông, hồ, đầm lầy; thực vật mọc ven đường; thực vật trồng trong vườn; thực vật
trồng làm cây xanh; thực vật trồng làm cảnh; thực vật trồng trong nông nghiệp...
Thực vật mọc ven sông, hồ, đầm lầy và ven đường
Thực vật mọc ven sông, hồ, đầm lầy và ven đường ở Quảng Yên chủ yếu thuộc ngành
thân thảo, ngành dương xỉ, ngành hạt kín một lá mầm và hai lá mầm với một số đại diện
điển hình như: dương xỉ, mần trầu, lau, sậy, cỏ lào... Những loại cây này mọc thành bụi và
phân bố rộng rãi, đặc biệt là những khu đất trống, ẩm ướt. Tuy có ít giá trị kinh tế song
những loài thực vật này đóng vai trò quan trọng trong đa dạng sinh học ở Quảng Yên.
Thực vật làm cây xanh, bóng mát và lấy gỗ
Nhóm cây xanh, bóng mát được trồng chủ yếu ở ven đường, hành lang giao thông,
khuôn viên trụ sở, trường học, các khu công nghiệp... để tạo cảnh quan đô thị, tạo bóng
mát cũng như giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực do khói, bụi gây ra cho môi trường
và con người. Một số loại cây xanh được trồng chủ yếu như: xà cừ, sữa, bằng lăng,
phượng vĩ, long não, muồng, riềng riềng...