Page 26 - Điểm báo Cà Mau số 10
P. 26
khi gặp những tia nắng từ trên cao. Mỗi tổ ong trung bình có từ 3 đến 5 lít mật, tổ lớn có
đến hàng chục lít.
Nhóm đi ăn ong chúng tôi đã chuẩn bị các dụng cụ cần thiết: bó đuốc con cúi làm
bằng xơ dừa khô được bó chặt lại để hun khói, một thau hoặc xô đựng tàng ong (còn gọi
là sáp ong), một cây dao và tấm lưới trùm cả người tránh bị ong đốt. Sáng sớm hôm ấy,
vừa hồi hộp, vừa phấn khích, chúng tôi lội rừng rồi chèo xuồng đi gỡ kèo ong. Trời mùa
khô nên ít gió, lại có sương sớm nên khi chúng tôi hun khói, con cúi khó bắt lửa, ít rủi ro
cháy rừng. Chúng tôi áp sát kèo ong khổng lồ, thổi khói từ phía trên gió cho ong bay đi,
dùng dao cắt phần mật, tách phần mật ra khỏi tổ lớn, rồi cắt bớt phần tàng có màu đen,
chỉ chừa lại một phần tàng thường khoảng 1/3 tổ để ong làm tổ mới. Tôi hoảng hốt vì
vụng về gây tiếng động khiến mấy chục con ong bay ra. Dù có bị đốt cũng không được
làm chết con ong nào, chúng tôi đã được dặn dò kỹ vì đối với người U Minh Hạ, ong là
bạn và chúng tôi đang chia sẻ quà tặng của mẹ thiên nhiên. Khi thợ "ăn ong" chạm vào tổ,
chúng tôi lo sợ họ sẽ bị đốt. Bàn tay họ nhẹ nhàng "vuốt ve" tổ, theo phương châm "thu
hoạch nhưng không tàn phá, tận thu". Họ tự nhận mình là người gác rừng cũng vì lẽ ấy.
Những tổ ong lớn trong rừng U Minh Hạ.
Với vốn kinh nghiệm giàu có của mình, thợ "ăn ong" hun khói mù mịt để ong canh
tổ bị say mà phớt lờ sự hiện diện của chúng tôi. Sau đó, chiếc kèo ong có một phần tổ
khổng lồ được vác về nhà như chiến lợi phẩm. Ngồi trên xuồng quay đầu về bến, mọi
người được thưởng thức ngay một phần mật còn tươi rói và tàng ong non ngon không thể
tưởng, phần thưởng cho một buổi sáng đi rừng nhiều cảm xúc.
Ong non mềm tứa ra sữa quyện vào mật ong là một đặc sản được người U Minh
trân quý cũng như hết lòng gìn giữ nghề "ăn ong" độc đáo gắn liền với lịch sử khai hoang
Nam Bộ. Không lạ khi nghề này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di
sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Có theo chân những người ăn ong vào sâu trong
rừng U Minh Hạ, bạn mới hiểu được nghề "ăn ong" quý giá như thế nào để được bảo tồn
như vậy. Kèo ong có tổ ong được mang về, kết thúc ngày "ăn ong" thú vị.
Phan Yến Ly
'Ăn ong' ở cực nam Tổ quốc / Phan Yến Ly // vnexpress.- Năm 2021.- Ngày 03
tháng 8.
Nguồn: https://vnexpress.net
26