Page 259 - Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ
P. 259
bày lí do, như vậy cấp trên mới vui vẻ chấp nhận sự từ chối của bạn.
Nên tránh thái độ thô bạo, bởi sự từ chối dễ khiến người khác
không vui, thái độ thô bạo giống như bạn đang đổ thêm dầu vào lửa.
Lời nói khách sáo có thể khiến đối phương suy nghĩ về lí do của bạn,
cũng không khiến họ rơi vào tình trạng bối rối và không làm ảnh
hưởng tới mối quan hệ đôi bên.
Lí do chính đáng
Khi từ chối người khác, không thể thiếu những lí do chính đáng.
Chỉ cần lí do của bạn là thật, ngôn ngữ chân thành, đối phương sẽ
không phản ứng tiêu cực trước sự từ chối của bạn.
Ở Bắc Kinh, Trung Quốc có một ngôi chùa nổi tiếng với những
phiến đá rất đẹp. Năm 1956, khi Tổng thống Ấn Độ đến thăm Trung
Quốc, Thủ tướng nước chủ nhà lúc bấy giờ là Chu Ân Lai đã đưa ông
tới thăm quan ngôi chùa này. Sau khi nhìn thấy những phiến đá,
Tổng thống Ấn Độ đã đề nghị với thủ tướng Trung Quốc đổi vàng lấy
hai phiến đá, trọng lượng vàng sẽ bằng trọng lượng đá.
Chu Ân Lai nghe vậy mỉm cười và nói: “Những phiến đá này là kì
quan hàng nghìn năm của người dân Trung Quốc, cũng là quốc bảo
của chúng tôi. Có câu nói: “Vàng bạc có giá, quốc bảo vô giá”, là Thủ
tướng Trung Quốc, làm sao tôi có thể dùng quốc bảo vô giá để đổi lấy
vàng bạc có giá! Tôi không thể đồng ý với yêu cầu này, xin thứ lỗi.”
Nói xong, cả hai đều cười.
Lí do chính đáng được trình bày với sự chân thành sẽ khiến phía
đưa ra yêu cầu thông cảm trước sự từ chối của bạn.
Sử dụng hành động
Khi muốn từ chối người khác, nếu cảm thấy khó nói, có thể dùng
một số hành động để gián tiếp từ chối. Như vậy, đối phương sẽ hiểu ý
của bạn và sẽ không bị rơi vào tình trạng bối rối do bị từ chối.
Ví dụ, xem đồng hồ liên tục, đọc báo trong khi nói chuyện chính
là một cách truyền thông tin từ chối tới đối phương.