Page 212 - Cuốn 70 năm (c)
P. 212
được lưu truyền từ lâu và mang nhiều giá trị tốt đẹp. Kết chạ
là để các làng cùng nhau giải quyết các vấn đề của làng thực
hiện kết chạ như giúp nhau trong hoạn nạn, coi nhau như
anh em trong nhà để tương trợ, đỡ đần nhau vượt qua nguy
nan, giúp nhau trong sản xuất, trong sinh hoạt. Những khi
làng có hỷ sự, họ lại cùng nhau gặp gỡ, chia vui gắn kết ân
tình. Các làng trở nên gắn bó nghĩa tình với nhau. Tại Ứng
Hòa, có các tục kết chạ tiêu biểu như: làng Trần Đăng kết
nghĩa với làng Áng Phao (Cao Dương), kết nghĩa với các làng
Cao Lãm, Tử Dương. Hay Làng Miêng Hạ kết nghĩa với anh
cả Tuy Lai (thuộc huyện Mỹ Đức); kết nghĩa với anh cả Yên
Trường (xã Thường Thịnh)... Đặc biệt, làng Hữu Vĩnh và
làng Trinh Tiết có quan hệ trong tín ngưỡng thờ thần Thành
hoàng kết chạ "anh cả em bé". Đặc thù của các làng kết chạ
là hai bên đều tự nhận mình là em, tôn bên kia là anh để thể
hiện sự khiêm nhường, tôn kính nhau.
+ Tục kiêng húy:
Kỵ húy hay kiêng húy là cách viết hay đọc trại một từ
nào đó do bị kiêng kỵ trong ngôn ngữ văn tự. Kiêng húy hay
kỵ húy tức là việc không được phép dùng tên của vua, của
ông bà tổ tiên để đặt tên cho con cái trong gia đình, hoặc con
cái, người ít tuổi kiêng không được gọi tên thật của ông bà tổ
tiên, hoặc người cao tuổi cũng như không được phép dùng
trong văn tự, lời nói hằng ngày. Theo tín ngưỡng dân gian,
việc kiêng kỵ đó là sự thể hiện lòng thành kính, tôn trọng đối
với những người có công với quê hương, đất nước, có đức cao
vọng trọng. Hiện nay, ở Ứng Hòa, tục kỵ húy vẫn được giữ
gìn như một nét đẹp văn hóa trong phong tục tập quán nơi
đây.
3. Lễ hội truyền thống tiêu biểu trên địa bàn huyện
Ứng Hòa
212