Page 54 - DS2020-Final4
P. 54
gì, anh ấy thú thật: “Dạ cũng là để thỏa mãn tính tinh nghịch
của tuổi học trò thôi ạ, chứ tuyệt nhiên không có ý xúc phạm
thầy cô đâu. Học sinh chúng em vẫn luôn kính mến và nhớ
ơn thầy cô.”
Trở lại chuyện thầy Nguyễn Tri Phương, bậc đàn anh
mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Chính thầy đã cùng với các thân
hữu Phạm Thụy, Ngô Đức Diễm, Hoàng Thuyên, và Nguyễn
Đức Minh, làm sống lại tên trường tư thục Kim Yến nổi danh
một thời. Một cựu học sinh Võ Tánh, anh Hồ Văn Tâm, đã
viết về thầy như sau: “(…) Tuy rất bận rộn trong việc điều
hành ở một trường khác nhưng phong cách giảng dạy của
thầy tại Võ Tánh vẫn thu hút sự ngưỡng mộ của học trò như
xưa (…). Vẫn tấm lòng nhân ái và ân cần với học trò. Vẫn
những lời giảng trầm hùng. Vẫn kiến thức toán mênh mông
như biển cả. Vẫn vắt cả tim óc để ứng khẩu những bài toán
khó. Vẫn những nét phấn như rồng bay phượng múa … Thầy
vẫn mãi mãi là người nghệ sĩ trên bục giảng trong lòng của
bao lớp học trò (…)”. Người thầy dạy toán tài năng và đức
độ ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng vào tháng 1 năm 2011 tại Mỹ.
Tro cốt của thầy đã được gia đình đưa về nghĩa đường Nhà
thờ Thanh Hải Đồng Đế Nha Trang.
Đầu năm 1970, một sự cố trọng đại xảy ra tại trường Nữ
Trung học, một tin nghe như sét đánh ngang tai: bệnh tật
nghiệt ngã đã cướp đi mạng sống của anh Hồ Viết Đốc! Anh
Đốc đã trả nợ trần quá sớm, đã lìa bỏ chốn trần ai để ra đi
mãi mãi, mới ở tuổi 32, trong nỗi tiếc thương vô vàn của gia
đình, đồng nghiệp và học trò, bỏ lại vợ còn quá trẻ và con
gái còn quá thơ dại!
Không thể sống trong khung cảnh gợi nhớ quá nhiều kỷ
niệm đau buồn, chị Hoa sau đó đã xin chuyển về dạy tại Sài
Gòn để sống cùng người thân bên ngoại.
Năm 1972, thành viên thứ bảy của 45 Nguyễn Trãi, chú
út Thái Huy Bào, cuối cùng cũng được cô Mỹ Hoàng rước
về cùng nhau xây tổ ấm tại đường Lê Quý Đôn.
54 Đặc San VT-NTH/HT NT (2020 @ San Jose, Cali ?)