Page 33 - Digital
P. 33
Điểm lại tháng 8/2021 VIỆT NAM SỐ HOÁ: CON ĐƯỜNG ĐẾN TƯƠNG LAI
1.1.4. Tín dụng và cung tiền đều tăng, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong nửa đầu
năm 2021 để tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế thực. NHNN giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%, và
khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay mới với lãi suất thấp hơn hoặc tái cơ cấu các
khoản vay đã có, miễn, giảm lãi, phí, và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh
hưởng do dịch Covid – 19 (Hộp 1.3) .
15
Hộp 1.3. Chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020
Ba lần trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm lãi suất tái cấp vốn (tổng cộng 2 điểm phần
trăm) và lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng (từ 0,6 đến 1,0 điểm phần tram một năm), đồng thời giảm trần
lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên 1,5 điểm phần trăm. Mục đích nhằm duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ
các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19. Đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu nợ cho 270.000
khách hàng, với tổng giá trị 335 ngàn tỷ đồng (14,5 tỷ USD). Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn miễn hoặc giảm lãi
suất cho vay cho trên 600.000 khách hàng với tổng giá trị khoảng 1.630 ngàn tỷ đồng (70,3 tỷ USD), và cấp trên 2.300
ngàn tỷ đồng (99,2 tỷ USD) vốn vay ưu đãi cho trên 400.000 khách hàng.
Tổng lợi nhuận khu vực ngân hàng vẫn ở mức lành mạnh, ít nhất là trên giấy tờ, trước khi biện pháp mới ban hành
vào tháng 4/2021 của NHNN có hiệu lực. Trong quý I năm 2021, biên độ lãi suất ròng bình quân rơi vào mức 3,35%,
tương đương với các năm trước đó (toàn bộ năm 2019 và 2020). Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên tài sản là 1,55%
trong ba tháng đầu năm 2021, cao hơn so với 2019 (1,07%) và 2020 (1,10%). Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng do tác
động của COVID-19 chưa được phản ánh hết trên sổ sách của ngân hàng, nghĩa là tài sản có trên bảng cân đối kế
toán của các ngân hàng dự kiến được nắm giữ đến khi đáo hạn (thường bao gồm các khoản vay của khách hàng và
tiền gửi của tổ chức và dân cư) do chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, và con số bình quân có thể che đi các vấn
đề mà mỗi ngân hàng đang phải đối mặt.
NHNN tiếp tục chính sách cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được ban hành từ khi bắt đầu đại dịch
COVID-19 năm 2020. Văn bản hướng dẫn sửa đổi đưa ra khung thời gian rõ ràng cho chính sách này đến
tháng 12/2021, vì vậy các ngân hàng sẽ có đủ thời gian chuẩn bị cho khả năng nợ xấu tăng lên sau khi chính
sách chấm dứt. NHNN cũng mở rộng phạm vi các khoản vay đủ điều kiện được gia hạn và phân loại, đồng
thời yêu cầu các ngân hàng từng bước tăng dự phòng cho các khoản nợ được tái cơ cấu trong khoảng thời
gian ba năm (đến tháng 12/2023). Yêu cầu tăng dự phòng nhằm tránh tình trạng các ngân hàng gặp cú sốc
bất lợi về lợi nhuận sau khi chính sách hoãn trả nợ kết thúc.
Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đã vượt qua tăng trưởng GDP danh nghĩa một cách
có hệ thống từ đầu khủng hoảng COVID-19. Tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong nửa đầu năm từ mức
khoảng 10 đến 12% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2020 lên trên 15% (so cùng kỳ năm trước) cuối
tháng 7/2021 (Hình 1.23). Đồng thời, thanh khoản vẫn dồi dào trong hệ thống tài chính khi tổng tiền gửi tăng
lên 16,4% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4/2021, từ mức 14,0% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng
12/2020 (Hình 1.24). Tuy nhiên, tốc độ tăng tổng tiền gửi đã giảm từ tháng 5 do những bất định về đại dịch
tăng lên, còn tăng trưởng tín dụng vẫn được giữ ở mức khoảng 15%.
15 Song song với đó, một gói hỗ trợ tài chính đã được Quốc hội thông qua để trợ giúp Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam
Airlines), một doanh nghiệp cấp quốc gia. Ba ngân hàng của Việt Nam cam kết cho Vietnam Airlines vay 4 ngàn tỷ đồng (173,8
triệu USD) để giúp hãng hàng không đang gặp khó khăn này. Hãng hàng không do Nhà nước sở hữu 86% cổ phần này đã báo cáo
lỗ ròng 4,97 ngàn tỷ đồng (214,4 triệu USD) trong quý đầu của năm nay.
33