Page 250 - Di san van hoa An Duong
P. 250

Theo tài liệu thần tích, thần sắc của làng An Dương, tổng An Lạc, huyện An
              Dương, có ký hiệu FQ418IX 5, hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt
              Nam (tài liệu trên được ông Chánh Hương hội Đào Ngọc Dục khai năm 1938 với
              cơ quan cấp trên), làng An Dương thờ bẩy vị Thành hoàng. Trong tài liệu ghi hai
              làng An Dương, Trang Quan trong tổng đều cùng thờ bảy vị Thành hoàng. Hiện

              nay hai địa phương trên là hai thôn lân cận trong xã An Đồng. Đến nay, trên cánh
              đồng đất giáp hai thôn có một gò đất cao, rộng, tương truyền nơi đây là đất linh
              địa, nơi thiên táng 6 vị Thành hoàng. Gò đất cấm địa trên vẫn được hai làng An

              Dương và Trang Quan bảo vệ, giữ gìn nghiêm cẩn.

                   Các vị Thành hoàng của làng An Dương Đoài gồm:

                   1. Ngài Phạm Tử Nghi, có duệ hiệu là Nam Hải Đại Vương. Phạm Tử Nghi
              người làng Niệm Nghĩa, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Thời
              trẻ ông là người có tư chất thông minh lại ham học tập, nên học một biết mười.

              Đặc biệt ông có sức khỏe hơn người. Ông đắp con đường dài, trên có những
              đống đất cao hai bên đường để tập võ nghệ. Khi chạy đến những đống đất hét

              lên một tiếng và vung gậy san bằng. Mọi người nhìn thấy vậy gọi ông là “Ông
              Thiên Lôi” và con đường đó là “đường Thiên Lôi”. Đường đó được sách sử nước
              ta ghi vào danh mục cổ tích. Ông bước lên vũ đài chính trị bằng thanh gươm

              trận và trở thành võ quan cao cấp của Vương triều Mạc, thế kỷ XVI. Sau cái chết
              của  vua  Mạc  Phúc  Hải,  năm  1546,  vì  không  cùng  quan  điểm  đưa  Mạc  Phúc
              Nguyên mới có 5 tuổi lên ngôi, nên ông mang quân rời triều chính cát cứ một

              vùng đất riêng. Ông đã từng mang quân sang đánh phá bên nước Minh để đòi
              lại vùng đất lưỡng Quảng. Nhà Minh không chế ngự được ông, nên đã trách cứ
              triều Mạc. Nhà Mạc đã tìm mọi cách sát hại ông và mang thủ cấp của ông sang

              nước Minh. Theo thần tích, nhà Minh sau khi tiếp nhận thủ cấp của ông, đất
              nước bị ôn dịch, nên phải đưa thủ cấp của ông vào quan quách đá xuống bè,

              làm lễ tiễn Công, Hầu về nước. Bè thả trôi không ai đẩy mà vẫn về đến bến sông
              Niệm quê hương ông. Dân làng được báo mộng đã rước Ngài về an táng tại Đôn
              Nghĩa. Lăng miếu Đôn Nghĩa hiện nay thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân,
              thành phố Hải Phòng là di tích cấp quốc gia. Theo tín ngưỡng dân gian, ông là

              vị thánh tối linh, thường hiển hiện phù giúp cho người dân, đặc biệt là cư dân
              làm ăn trên sông nước. Chính vì vậy, ông được rất nhiều địa phương thờ làm

              Phúc thần, Thành hoàng làng.



                                                  DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG    250
   245   246   247   248   249   250   251   252   253   254   255