Page 247 - Di san van hoa An Duong
P. 247
Trên các cấu kiện của bộ vì, được đắp trang trí lá guột truyền thống. Đấu kê hình
vuông thót đáy, trên đấu đắp nổi hoa sen cách điệu. Toàn bộ các bộ vì tòa tiền tế
được nối kết chặt chẽ, giằng chặt với nhau qua hệ thống xà đai chắc khỏe.
Tòa hậu cung gồm hai bộ vì, vì bốn hàng chân, nhưng cột quân được đặt
trong tường bao che. Kết cấu vì nóc thuận chồng hai con, tạo giá chiêng, vì nóc
thuận chồng ba con. Trên cấu kiện kiến trúc của bộ vì tòa hậu cung được trang trí
đắp, vẽ tương tự như bộ vì tòa tiền tế.
Trải qua thời gian, thăng trầm của lịch sử, đình Văn Phong xưa đã bị hủy
hoại, nên các đồ thờ tự, tế khí cũng mất mát, thất lạc. Đến nay sau khi ngôi đình
được xây dựng lại, nhân dân địa phương đã cung tiến và bài trí đầy đủ đồ thờ tự,
tế khí mới trong đình, như: thánh tượng, câu đối, đại tự, cửa võng, bát biểu, nhang
án... Các đồ thờ tự được chạm khắc đẹp và được sơn son thếp bạc phủ hoàn kim
lộng lẫy. Ngoài ra, đình còn bảo tồn được hai tấm bia đá, bia có chữ hạ mã và bia
hậu thần, bia hậu thần đã mất chữ, bia hạ mã có niên đại thế kỷ XIX.
Trước năm 1945, người dân Văn Phong, theo âm lịch hằng năm thường tổ
chức các tiết lệ, ngày 6 tháng 2, ngày sinh của thánh; ngày 25 tháng Chạp, ngày
Ngài hóa. Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của thánh là lễ hội của làng, lễ hội lớn nhất
trong năm. Trong lễ hội, tổ chức rước thánh bằng kiệu, bài vị từ đình Văn Phong
về đình Văn Cú, sau đó rước bát nhang Thành hoàng Văn Cú về đình Văn Phong,
đoàn rước thánh có ba kiệu. Sau lễ hội xong lại rước bát nhang thờ hai vị thánh về
đình Văn Cú. Trong hội lễ, ngoài lễ rước, tế lễ còn có các trò chơi thi đấu như: đu
tiên, chọi gà, đi cầu thùm, bắt vịt... Ngày nay, người dân Văn Phong đang từng
bước kế thừa, phát huy các nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống của tiền
nhân để lại.
Đình Văn Phong là công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, nơi bảo tồn các
giá trị truyền thống của người dân Văn Phong. Công trình là chứng tích đánh dấu
lịch sử hào hùng có từ hàng ngàn năm của người dân địa phương. Đình Văn
Phong như tượng đài tôn vinh bậc anh hùng, hào kiệt có công dẹp loạn cứu dân,
góp phần to lớn xây dựng nên nhà nước Đại Cồ Việt của dân tộc Việt Nam. Cùng
với các ngôi đình khác trong vùng như đình Văn Cú, đình Vân Tra, đình Kiến
Phong... tạo nên quần thể di sản văn hóa rất có giá trị chứng minh một thời lịch
sử anh hùng của người dân An Dương trải ba triều đại huy hoàng: Đinh, Lý, Trần
trong lịch sử Việt Nam.
247 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG