Page 245 - Di san van hoa An Duong
P. 245
ngộ”. Ông Tuấn phấn khích thưa: “Tuy tôi bất tài, nhưng cũng có hiểu biết binh
pháp, minh công muốn dẹp yên thiên hạ cần triệu tập anh hùng, mài nanh, dũa
vuốt, binh uy nổi trội, chắc các sứ quân võ dũng sao thoát khỏi phép nước, cương
thổ của triều Ngô cũng khó giữ được”.
Từ đó, ông Tuấn đi theo Bộ Lĩnh về với sứ quân Trần Lãm, hợp tác với các
tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Lê Hoàn đồng tâm hiệp lực dẹp các sứ
quân cát cứ. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, đặt tên nước là Đại
Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Nhà vua đặt quan chế, triều nghi, phong thưởng cho
các công thần. Nguyễn Bặc được phong Đinh Được Công, Lưu Cơ làm Chánh đô
hộ, Cao Tuấn làm Phó Đô úy được hưởng thực cấp 50 hộ, lại miễn tô thuế cho
trang Văn Cú, từ đó dân trang được no đủ, thường ca ngợi ông Tuấn có đức như
núi, tựa bể xuân. Ông Tuấn thường nói: “Chúng ta mong sao tên tuổi mãi được lưu
truyền, làm được nhiều phúc để báo ơn vua, đền nợ nước”. Ông Tuấn khi làm quan
được vua, quan yêu quý, kính trọng, được vua ban cho nhiều bổng lộc, nên có biệt
hiệu là Từ Tường. Khi thấy trong triều có kẻ nhòm ngó ngôi báu, ông bèn xin từ
quan về quê nhà. Vào một hôm ông mở đại tiệc khoản đãi nhân dân, trong lúc đại
tiệc ông cho dân làng 100 lạng bạc và dặn rằng: “Quan hưu không có gì nhiều, tặng
dân làng để đền đáp công lao đóng góp của dân làng đã theo giúp. Sau này mong
được dân thờ cúng”. Nói xong ông bỏ hai bộ sách vào tay áo rồi đi về phía núi Yên
Tử, sau đó không biết ra sao. Hôm đó là ngày 25 tháng Chạp, lúc đó có 3 người ở
khu Cú Đoài theo sau, đến nơi tìm nhưng không thấy dấu vết gì, chỉ thấy trên trời
có áng mây vàng hình như cái lọng che trên đỉnh núi, một lúc sau biến thành 5 sắc
rồi tan biến, mấy người đi theo kể rõ câu chuyện cho người dân ấp Đoài.
Theo lời dặn của ông, người dân dựng một điện ở khu ấp, đề thần hiệu ông
là Từ Tường Đại Vương để phụng thờ. Khi có việc cầu đảo tại nơi thờ ông đều rất
linh nghiệm. Vào triều vua Trần Nhân Tông, giặc Chiêm vào cướp phá, nhà vua
mang quân đánh dẹp, khi qua đầu huyện An Dương, bỗng có cơn gió lốc thổi,
quân không tiến được, vua sai đóng quân ở ấp Văn Cú. Đêm hôm đó vua nằm ngủ
mơ thấy một người đội mũ sao, mặc áo bào xanh, cưỡi hạc trắng, theo sau có hàng
trăm quân sĩ từ trên trời bay xuống chỗ vua và tâu rằng: “Thần vốn là tướng nhà
Đinh, nay vâng mệnh Thượng đế cai quản vùng này. Nay thấy bệ hạ thân làm
tướng đi dẹp giặc, thần nguyện xin giúp việc quân để đất nước thanh bình, biểu
hiện sự anh linh”. Khi tỉnh giấc trời sáng vua mang quân giao chiến với Chiêm
Thành, quân ta toàn thắng. Nhớ tới vị thần trong giấc mộng ở trang Văn Cú, nhà
245 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG