Page 240 - Di san van hoa An Duong
P. 240
ngày 14 tháng 9 âm lịch. Trong lễ hội, dân làng tổ chức rước lễ vật được làm từ
chính những sản phẩm nông nghiệp là thóc được lựa chọn từ những thửa
ruộng tươi tốt, trĩu bông, hạt to đều, sau đó được kết thành những bó to, cùng
những lễ vật chế biến từ gạo nếp như bánh chưng, bánh dày để dâng các vị
Thành hoàng làng.
Ngày 15 tháng 2, làng mở hội trong hai ngày. Trong lễ hội có tổ chức lễ rước
thánh từ đình ra miếu thờ Ngài Phạm Tử Nghi, sau đó rước về đình mở lễ hội. Tại
đình, đoàn tế thánh theo hình thức tế ngoại tán ba vị Thành hoàng. Trong phần
hội, làng tổ chức các trò chơi thi đấu mang tính dân gian, như: đấu võ vật, chọi
gà, cờ tướng, đi cầu thùm, tổ tôm điếm, hát chèo sân đình... Các buổi tối có tổ
chức diễn xướng dân ca qua hình thức hát giao duyên nam, nữ. Hội làng có tổ
chức giao hiếu với các làng trong Lục Kiều, cùng làng Tri Yếu nên thu hút đông
đảo sự tham gia của cụ già, trẻ nhỏ, nam, nữ thanh niên.
Tại chùa Kiều Trung, hằng năm vào ngày 26 tháng Giêng, nhà chùa cùng
nhân dân tổ chức lễ giỗ các vị sư tổ đã có công khai sáng nhà chùa. Lễ giỗ tổ thu
hút đông đảo nhân dân địa phương và các làng, xã lân cận đến tham gia dâng
hương, lễ Phật.
Kiều Trung ngày nay là quê hương có nhiều đổi mới vươn lên trong phát triển
kinh tế và văn hóa. Với tinh thần lao động sáng tạo người dân Kiều Trung trong
nhiều năm trở lại đây đã chuyển đổi mô hình sản xuất, trồng hoa, cây cảnh để thay
thế cây lúa. Người dân trồng cây hoa hải đường, cây hoa đào, cây quất... để phục vụ
tết cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, làng Kiều Trung có riêng sản phẩm cây hoa trà,
làng có tới 50 % hộ dân trong làng trồng cây hoa trà để cung cấp cho thị trường
trong và ngoài thành phố Hải Phòng. Năm 2008, làng Kiều Trung được công nhận
là làng nghề trồng hoa cây cảnh của thành phố Hải Phòng.
Đình, chùa Kiều Trung, cụm di tích đánh dấu lịch sử hình thành, phát
triển lâu dài của người dân Kiều Trung, cùng với làng hoa cây cảnh sẽ là địa
điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài thành phố Hải Phòng
trong hiện tại và tương lai.
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 240